Chúng ta nói gì khi chúng ta kể chuyện nhau nghe

bed time story

Nói thật tình là mình vốn không phải là một người quá ưa thích trẻ con. Đối với mình một đứa trẻ quả là một tạo vật đáng yêu và tuyệt vời mà trên đời này không có gì sánh bằng, chỉ đến khi cu cậu hay cô nàng cất tiếng khóc hay đòi đi “đại bác” hay đi “hoa súng”. Đến lúc đó thì mình chỉ muốn chạy thật xa mà thôi, mình hay nghĩ đùa là con đẹp quá con ơi nhưng chú hông có hạp với con, ta đành chia tay nhau từ đây thôi.

Ấy vậy mà từ trước đến giờ, mình thường có duyên với trẻ nhỏ và cũng đã từng làm những công việc phải chăm sóc trẻ em. Mình có một người mẹ làm giáo viên mầm non và quãng thời gian từ trung học đến khi lên đại học, mình thường xuyên phải ghé qua trường bà, thỉnh thoảng phụ giúp bà trông coi các bé, hay vui đùa với những bé nhỏ trong lúc chờ cha mẹ đến đón. Có khi ghé ngang giờ trưa; cũng là lúc các cô bận rộn cho trẻ ăn; mình còn xung phong vào phụ đút cho các bé, chưa kể đến mùa giáng sinh nào cũng đóng vai ông già Noel để vui cùng bọn nhỏ. Đến khi lên đại học, công việc partime đầu tiên của mình cũng là chân chạy vặt cho Apollo Đà Nẵng, cũng tham gia làm các việc lặt vặt để “phục vụ” các bạn trẻ nhí. Công việc chính thức đầu tiên, mình cũng phải đảm trách xây dựng một trung tâm đào tạo bóng đá cho các em nhỏ, rồi sau này vào làm marketing cho một trường đào tạo tiếng Anh đang có ý định manh nha sang dạy tiếng Anh cho các bé thì mình chạy theo tiếng gọi của con tim để vào Sài Gòn. Mà hay một chỗ, cuối cùng thì làm công việc liên quan trực tiếp đến các em bé mầm non luôn. Quả thật là cuộc đời có quá nhiều cái duyên không nói trước được.

Trong quá trình làm việc với khách hàng, mình càng nhận ra là chăm sóc một đứa trẻ là một công việc khó khăn nhất trên đời, và quả thật mỗi một người cha người mẹ phải là anh hùng của cái quả đất này. Chăm sóc trẻ không chỉ có việc đảm bảo cho bé khỏe mạnh về mặt thể chất, một tháng lên bao nhiêu kg, có bị suy dinh dưỡng hay không? Mà còn phải quan tâm đến việc trẻ có gặp phải những vấn đề về mặt tinh thần và phát triển trí não hay không? Và còn rất rất nhiều những nguy cơ mà một đứa trẻ có thể gặp phải trong cuộc sống mà không phải lúc nào cha mẹ cũng có mặt 24/7 cùng con. Nói thật không ngoa, trong thời đại này, chỉ cần rời con ra một chút hay giao con cho người không đáng tin cậy, chẳng biết sẽ có chuyện gì xảy ra những đứa trẻ ấy. Nói chi đâu xa, gần đây các bậc làm cha làm mẹ đều đau xót trước cái chết của em bé chỉ mới 8 tuổi nhưng phải chịu đựng những trận bạo hành dữ dội của chính người cha thân sinh ra cháu. Vậy đấy, ngay chính người thân trong gia đình cũng có thể trở thành một mối nguy hại cho một đứa trẻ, chính vì vậy thật không ngoa khi nói rằng, sinh con ra đã khó, nuôi dạy con lại càng khó khăn gấp trăm ngàn lần.

Nhưng một câu hỏi đặt ra là, vậy phải làm thế nào để bảo vệ một đứa trẻ? Các bậc cha mẹ hiện đại ngày nay chắc chắn không thể nào ở cạnh các bé từng phút một. Câu trả lời là chỉ có thể dạy cho trẻ cách bảo vệ chính bản thân mình. Khi làm việc với những chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, mình biết được một điều, phương pháp giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân thông qua việc phụ huynh cần trò chuyện với trẻ hàng ngày, tập cho trẻ thói quen kể những câu chuyện diễn ra xung quanh thế giới của trẻ trong một ngày. Không chỉ là những câu chuyện liên quan đến cô giáo làm gì với trẻ, cô có la mắng trẻ hay không? Hay trẻ có bị bạn bắt nạt hay không? Mà còn là những mẫu thông tin đơn giản như hôm nay trẻ học được những gì, trẻ được trải nghiệm điều gì mới, bạn bè đã nói gì với trẻ, cô đã kể cho trẻ nghe những mẫu truyện nào hay. Tất cả những điều đó sẽ giúp các bậc phụ huynh có được một bức tranh toàn cảnh về một ngày của con mình và gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ cha mẹ và con cái, để từ đó tạo được cho trẻ một sự tin tưởng để mà tâm sự khi gặp phải một vấn đề nào đấy.

Theo ý riêng của mình, việc hình thành cho trẻ thói quen kể chuyện cũng là một cách giúp trẻ trở thành một người bao dung hơn. Qua những câu chuyện bé kể, thế giới sẽ trở nên sinh động hơn và được lưu giữ lâu hơn trong trí nhớ của trẻ, giúp trẻ có thể tạo được một sợi dây kết nối chặt chẽ cùng người thân của mình để sau này khi lớn lên, việc chia sẻ không còn là điều gì quá khó khăn. Mình đồ rằng, cũng vì nguyên nhân này mà mẹ mình trước đây dù có bận đến mấy cũng luôn dành thời gian để trò chuyện với em gái mình khi em còn rất nhỏ và luôn lắng nghe những gì em kể về một ngày của mình. Gia đình mình luôn cố gắng giữ thói quen ấy đến tận bây giờ, khi cùng ngồi ăn cơm, cả nhà sẽ kể cho nhau nghe về một ngày của mình để cùng cười, cùng chia sẻ cho nhau những nhọc nhằn của cuộc sống. Điều đó quả thật là một liều thuốc quý giá để mình có thêm nghị lực mà bươn trải. Và điều mình thật sự nhớ đến da diết khi phải rời xa thành phố mình được sinh ra và lớn lên, chính là những câu chuyện quanh bàn ăn trong gia đình nhỏ của mình. Những câu chuyện đã giúp mình trở thành một người tốt hơn. Và mình hy vọng, những em bé ngoài kia cũng sẽ đón nhận được những điều tốt đẹp như mình và em gái đã có được. Chỉ cần ba mẹ có được kiến thức đúng đắn trong việc nuôi dạy con, đứa trẻ đó sẽ bớt đi bao nhọc nhằn trong con đường trưởng thành.

Viết linh tinh trong khi suy nghĩ về đứa con sau này của mình. Có thể, mình đang vào tuổi muốn có một đứa con thì sao nhỉ 😉

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.