Hãy tưởng tượng bạn được sống trong một xã hội “hoàn hảo” và “đồng nhất”. Ở đó bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về đồ ăn, thức uống, không bao giờ phải lo lắng về an ninh. Ở một cộng đồng “sạch” đến từng milimet vuông, không một tội ác khủng khiếp nào được thực hiện, không chiến tranh, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt màu da, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp vì tất cả mọi người đều như nhau. Mọi người trong cộng đồng không hề biết đến đau khổ hay buồn phiền, cái mà họ mang trong mình chỉ là sự yên ổn và những suy nghĩ bình yên. Đến đây bạn có thực sự thích sống trong cộng đồng ấy không?
Người Truyền Ký Ức (The Giver) của nữ văn sỹ người Mỹ Lois Lowry đã đưa người đọc vào thế giới của một xã hội “hoàn hảo, đồng nhất” như vậy, một xã hội giả tưởng, kỳ lạ nhưng lại gần gũi và không khác mấy với thế giới của chúng ta. Ở đó có một bé trai Jonas chuẩn bị bước vào tuổi 12 và em sắp sửa nhậnNhiệm vụ đầu tiên của đời mình. Ở cái cộng đồng “hoàn hảo” này, mọi thứ đều bị ràng buộc bởi những luật lệ và sự chuẩn xác của ngôn từ là cái quan trọng nhất. Luật lệ và Nhiệm vụ được thiết lập ra bởi Hội Đồng Bô Lão, nơi những người sáng lập ra cộng đồng sẽ theo dõi từng đứa trẻ một trong cộng đồng với nhiều quá trình rèn luyện, làm việc tình nguyện cùng với những góp ý của thầy giáo trực tiếp giảng dạy chúng, để cuối cùng Hội Đồng sẽ phân cho mỗi em bé 12 tuổi một Nhiệm vụ, mà các em sẽ gắn liền cuộc đời mình với nhiệm vụ đó. Nhiệm Vụ ở đây có thể là Mẹ Đẻ, Kỹ Sư, Nhà Khoa Học, Giám Đốc khu giải trí, Người Trông Trẻ, Người Trông Nom Người Già, và có cả một Nhiệm Vụ được xem là vinh dự nhất, lớn lao nhất và rất rất lâu mới có người được chọn, đó là Người Tiếp Nhận Ký Ức.
Ở một xã hội mà chỉ một câu nói đùa của một đứa trẻ “Con sắp chết đói đến nơi rồi” cũng sẽ bị đem ra phê bình nghiêm khắc, bởi trong cộng đồng đó không có khái niệm chết đói. Ở một cộng đồng mà hằng năm chỉ có 50 đứa trẻ được sinh ra. Ở một cộng đồng mà người cha và người mẹ không hề sinh ra con cái mà họ đang nuôi dưỡng. Ở một cộng đồng mà bất kỳ ai khi đến tuổi 12 và qua cái tuổi đó sẽ không còn nhớ gì về tuổi tác của mình nữa. Ở một cộng đồng mà một câu hỏi: “Bố mẹ có yêu con không?” thì câu trả lời nhận lại được không phải là “có” hoặc “không” mà là sự đòi hỏi chính xác về mặt ngôn từ “…con có thể hỏi “bố mẹ có thích con không?”… hoặc là “bố mẹ có tự hào về thành tích của con không?”…” Ở một cộng đồng mà người già hoặc trẻ em mới sinh có khiếm khuyết thì sẽ bị “phóng thích”. Ở một cộng đồng mà tất cả mọi người đều “đồng nhất” như nhau về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tất cả rồi cũng sẽ yên bình trong cái cộng đồng ấy, chỉ cho đến khi…
Jonas nhận được nhiệm vụ là Người Tiếp Nhận Ký Ức, từ đó cậu khám phá ra được “cảm xúc”. Cậu phát hiện được những cảm xúc cơ bản nhất của một con người, cảm giác yêu thương, sự tức giận, sự cô đơn, sự cô độc… Cậu còn biết đến cả chiến tranh, sự tàn khốc của nạn đói, và cả cái chết.
Câu chuyện với một kết thúc mở về tương lại của Jonas và một nhân vật khác đã để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ về cuộc sống và về chính xã hội loài người.
Người Truyền Ký Ức là một quyển sách hay được viết cho thiếu nhi, thế nhưng đó không phải là quyển sách mà bất kỳ em nhỏ nào cũng có thể cầm lên xem. Như lời của chính tác giả nói về tác phẩm của mình “Người đàn ông tôi đặt tên là Người truyền Ký Ức đã truyền lại cho cậu bé hiểu biết, lịch sử, màu sắc, nổi đau, tiếng cười, tình yêu và sự thực. Mỗi lần bạn trao một cuốn sách vào tay một đứa trẻ, bạn cũng đã làm điều đó. Đó là một điều mạo hiểm. Nhưng mỗi lần đứa trẻ mở một cuốn sách ra, nó đã đẩy cánh cổng ngăn cách mình và Nơi Khác. Và điều này đưa đến lựa chọn. Đưa đến tự do. Đó là những điều nguy hiểm một cách quý báu và tuyệt diệu.” Quả thật là vậy, quyển sách mở ra cho những em nhỏ và cả người lớn đọc nó những sự lựa chọn, và từ đó đưa đến tự do trong tư tưởng của chính mình. Xét cho đến cùng, cái mà Người Truyền Ký Ức mang lại cho độc giả chính là những cảm xúc tinh thế, mãnh liệt của con người. Cái đẹp lung linh, ấm áp, huyền ảo nhưng diệu kỳ của tình yêu thương, của gia đình. Cái lạnh lẽo, khô khốc và tàn ác của chiến tranh, đói nghèo và cái chết. Quyển sách là một chiếc chìa khóa kỳ diệu để mở ra cánh cửa cảm xúc cho những em nhỏ, và những người lớn nếu không quá vô tình.
Có những đoạn tôi như cảm thấy mình như được đồng cảm với chính nhân vật vì cũng đã có lúc bản thân đã vô cảm đến thế nào trong cuộc sống này. Vô cảm mà ngay cả chính mình cũng không hề hay biết. Đôi lúc tôi thấy lạnh gáy vì hình ảnh của cái chết nhưng cũng có thế thấy rạo rực và ấm áp một cách lạ lùng vì những tia sáng rực rỡ của tình yêu thương. Và to lớn hơn cả là sự hân hoan đến bất ngờ với vẻ đẹp của sự tự do.
Không bất ngờ mấy khi Người Truyền Ký Ức dành được Huân chương Newberry, vinh danh những tác phẩm văn học có ảnh hưởng và đóng góp to lớn đối với trẻ em, câu truyện mà Lois Lowry xây dựng lên vừa hoang đường, vừa thực với những nhân vật không phức tạp nhưng phản ánh đầy đủ những cảm xúc của một con người hoàn thiện.
Quyển sách này không dành cho những ai có suy nghĩ về một màu hồng vĩnh cữu hay một cái đẹp hoàn hảo đến phi thực tại, nó dành cho trẻ em nhưng chỉ những em nhỏ nào có một trái tim nhân hậu và dũng cảm, cũng như lòng vị tha và thơ ngây của trẻ nít.
Đừng vội đưa ngay cho em bạn đọc, mà hãy đọc nó trước để xem em bạn đã chuẩn bị để đón nhận chiếc chìa khóa đến với cánh cửa cảm xúc này hay chưa.
1 Reply to “Review: Người truyền ký ức”