Tháng 2, đối với tôi là tháng của tết âm lịch, của gia đình, của bạn bè và của những nhà văn nữ Việt Nam.
Nói ra thì tôi không tha thiết lắm đối với các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại là mấy ngoại trừ các sáng tác của chị Nguyễn Ngọc Tư. Tôi có thể dành hàng giờ, hàng tuần để nhẩn nha những tác phẩm văn học của thế giới, mua như lên đồng những cuốn sách mới ra của những nhà văn ngoại quốc, vậy mà lại rất dè dặt khi đụng đến các tác phẩm văn học đương đại Việt Nam. Nói thật tình thì nhiều lúc cũng cảm thấy mình có cái tư tưởng “sính ngoại” đậm đặc. Nghĩ vậy, qua năm mới này, tôi đã tự ép mình vào một thói quen mới, tìm hiểu và cố gắng đọc những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đương đại mà không phải là Nguyễn Ngọc Tư (viết đến đây thì chắc ai cũng biết tôi là fan cuồng của chị, tôi cũng có một bài review tác phẩm của chị Tư tại đây). [nói như thế này không có nghĩa là trước đây tôi không mua hay đọc bất kỳ tác phẩm văn học nào của các nhà văn trong nước, thật ra tôi cũng có đọc và ưa thích một số tác phẩm đương đại như Nhân trường hợp chị thỏ bông của Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh), Big Bang bỏ túi của Thu Nguyệt, Song Song của Vũ Đình Giang và một số quyển khác không đáng kể. Đại ý ở đây, văn học Việt Nam ở giai đoạn này không cuốn hút tôi là mấy.]
Để bắt đầu cho thử nghiệm này, tôi chọn Đỏ của Nguyễn Dương Quỳnh. Lý do tôi chọn tác phẩm này để đọc đầu tiên là vì cái en-try Đọc Đỏ trong Đỏ của chị Tư. Lý do thứ hai là vì bìa sách đỏ rực nhưng lại đẹp đến quyến rũ, nhiều khi tôi mua sách cũng chỉ vì những trang bìa đẹp hết sảy!
Trước hết tôi muốn nói về Đỏ – tập truyện vừa của nữ nhà văn trẻ Nguyễn Dương Quỳnh, đây là một tác phẩm thật sự làm tôi bất ngờ bởi hai lý do sau:
- Tác giả còn khá trẻ, chỉ mới sinh năm 1990 nhưng những gì Quỳnh viết trong Đỏ, thật sự đòi hỏi trải nghiệm về cuộc sống tương đối dài hơi.
- Văn phong của Đỏ làm tôi gợi nhớ rất nhiều về Kitchen của Banana Yoshimoto, một trong những tác phẩm yêu thích nhất của tôi. Tất nhiên so sánh Quỳnh với Yoshimoto là một điều hết sức phi lý, nhưng phải nói rắng, Quỳnh đã tạo cho tôi một cảm giác thật sự dễ chịu khi đọc Đỏ, hệt như Yoshimoto làm tôi phải run rẫy khi đọc Kitchen.
Cần phải nói thêm rằng, Đỏ là một tập truyện vừa gồm hai truyện Đỏ và Nước xốt cà chua. Cá nhân tôi chỉ thích truyện Đỏ và tôi cũng đồng ý với ý kiến của chị Nguyễn Ngọc Tư khi cho rằng, Đỏ chỉ cần đứng riêng với thêm một số tranh minh họa thì đã là một tác phẩm tuyệt vời. Để thêm Nước xốt cà chua vào thật sự khiến tác phẩm như một nồi bún ngon bị cho thêm quá nhiều gia vị.
Ở truyện ngắn Đỏ, tôi tìm thấy sự lặng lẽ của một người trẻ tuổi xa xứ, với sự cô đơn thường trực như một điều hết thảy bình thường. Một vòng quay của cuộc sống cứ quay đều đến nhàm chán nhưng nhân vật vẫn cứ xuất hiện một cách rõ nét và kiên trì đi hết chặng đường của mình. Là một sinh viên mỹ thuật cô độc, sống trong một khu nhà trọ của người Hoa mà lại không biết nói một chữ tiếng Hoa, với thói quen thích ăn táo và gọt táo, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm nhân vật chính của Đỏ có một cái gì đó thật bình thường nhưng cũng thật sự ấn tượng. Những mối quan hệ giữa người và người trong Đỏ không dựa trên sợi giây kết nối của ngôn từ, mà chỉ có cảm xúc và nỗi niềm mới chính là chất liệu để các nhân vật đến với nhau, chạm vào nhau, rồi lại rời xa nhau. Những mối liên hệ như những đường vòng cung gợn sóng của mặt hồ, chạm vào nhau rồi lại lan rộng ra đến vô cùng. Tôi cứ vậy, thả mình bay theo những cảm xúc của nhân vật chính, những xao động, trăn trở và bứt rứt, để rồi, đến cuối cùng, tôi lại trở về với tôi với những bình yên của một sự cân bằng về mặt xúc cảm. Ngoài nhân vật chính ra, những tuyến nhân vật khác như người đàn ông Trung Hoa, cô người mẫu, đứa trẻ, chủ tiệm bánh, bà chủ nhà trọ đều tạo được một sự cân bằng vừa đủ cho câu truyện, họ không quá rõ nét cũng không quá mờ nhạt, hệt như những thứ gia vị được nêm nếm vừa phải để cho ra đời một món ăn tuyệt hảo.Tôi mừng vì đã mua vé để xem “bộ phim” Đỏ và được thưởng thức trọn vẹn mạch cảm xúc chầm chậm, mọi thứ đều diễn ra một cách từ tốn, nhẹ nhàng nhưng quả thật, vô cùng sâu lắng.
Cũng chính vì Đỏ được viết một cách xuất sắc như vậy, vô tình truyện tiếp theo Nước xốt cà chua, qua giọng kể của nhân vật Trần Nam Trung và quá trình thừa kế quán ăn của ông nội để lại sau khi mất; kèm theo một loạt các mối quan hệ chồng chéo với một cô gái cùng vẻ bề ngoài trung tính, người bạn gái cậu yêu đơn phương với những tình cảm lẫn lộn phức tạp và với một chàng đầu bếp không nói chuyện, chưa kể với con mèo hoang xấu đau đớn mang tên Nước Xốt Cà Chua, như một cú lọt thõm không đáng có trong mạch cảm xúc của người đọc. Nước xốt cà chua, mặc dù là một truyện ngắn khá với những tình tiết thú vị, có thắt nút, mở nút rồi lại thắt nút và để đó. Truyện cũng có sự lồng ghép khéo léo của cảm xúc, của triết lý và cả sự trăn trở thời đại (mà không hẳn là về cuộc sống hay xã hội) của những người trẻ tuổi. Bằng cách tạo ra một loạt các nhân vật không ít thì nhiều với những bí ẩn trong quá khứ và cả hiện tại, tôi có cảm tưởng như Nguyễn Dương Quỳnh muốn đưa người đọc vào mê lộ của những tiểu tiết và sự phức tạp của các mối quan hệ, nhưng điều đáng tiếc, kết quả cuối cùng là không có mối quan hệ nào được giải quyết một cách trọn vẹn cũng như không có một cảm xúc nào được đẩy đến cao trào. Tất cả đều mang một cảm giác dở dang, lưng chừng, và tóm lại là chưng hửng. Thêm vào đó, tôi cũng thật sự không thích cách trình bày nội dung của Nước xốt cà chua, Quỳnh chủ ý làm cho rõ ràng nội dung những bức thư giữa các nhân vật gởi cho nhau ngày từ đầu mỗi phần khiến tôi có cảm giác tác giả không tin tưởng lắm việc người đọc có thể tự nhận biết bức thư nào được gởi đi bởi nhân vật nào và gởi cho ai. Tôi cực kỳ không thích kiểu chú-thích-mà-không-phải-chú-thích như thế này: Thư của Vương Lệ Hoa (trang 137), Thư của Trần Nam Phong gởi cho Vương Lệ Hoa (trang 152), hay “chương này dành cho bạn, người bạn yêu mến nhất của tôi” (nếu để dòng đề tặng này ngay đầu truyện thì tôi có lẽ đã không thấy khó chịu). Có lẽ Quỳnh nên tin tưởng nhiều hơn vào khả năng nhận thức của độc giả. Thật ra, Nước xốt cà chua không phải là không có những nét đặc sắc của một truyện ngắn hiện đại, nhưng sau cái không khí tuyệt vời của Đỏ, nó nên được đứng riêng ở một tuyển tập khác bởi nó mang một phong cách quá trẻ, quá ngây thơ và gấp gáp khi so sánh với sự sâu lắng dịu dàng của Đỏ. Quả thật là một điều đáng tiếc!
Đối với tôi, Đỏ là một cuốn sách đáng đọc và Nguyễn Dương Quỳnh thật sự là một niềm hy vọng cho nền văn học đương đại Việt Nam, có thể vẫn còn quá sớm để đưa ra một nhận định như vậy, nhưng tôi vẫn tin rằng với những gì Quỳnh làm được trong truyện ngắn Đỏ, cô còn có thể tiến xa hơn nữa, miễn sao cô vẫn còn giữ được sự sâu lắng, nhẹ nhàng và “yên tĩnh” mà cô đã có với Đỏ.
Cuộc hành trình, hy vọng, cứ như thế mà tiếp tục…
PS: Ban đầu tôi định so sánh giữa Đỏ và bộ ba tuyển tập truyện ngắn của Trần Thị NgH (tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng), nhà văn nữ thuộc thời kỳ trước 1975, gồm Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạn và Nhăn rúm. Nhưng nghĩ lại thì nên có một entry khác cho bộ ba tuyển tập thú vị này. Trong trường hợp các bạn không biết Trần Thị NgH là ai thì mời xem thêm tại entry điểm sách của bác Nhị Linh.