Mẹ tôi có một người em trai. Cậu là con út trong nhà trên 10 người con. Cậu bị tật nói ngọng từ nhỏ.
Là con út, cậu có phần được yêu chiều hơn một chút. Miếng nào ngon trong nhà cậu sẽ được để phần. Việc nhà cậu cũng không phải làm nhiều. Tuổi thơ cậu có bình yên không? Tôi cũng không rõ bởi trong những câu chuyện mẹ kể thường không nhiều dấu ấn của hạnh phúc hay sự vui vẻ, bình yên. Hiếm hoi lắm là hình ảnh những chiếc bánh ram nóng hổi ngọt lịm được trao cho cậu dưới con mắt thèm thuồng đến tội nghiệp của mẹ. Đấy là tất cả những gì tôi biết và còn nhớ về tuổi thơ của cậu.
Cách mạng về, “độc lập” giành cho tất cả mọi người nhưng không phải cho cậu. Tự ti vì tật nói ngọng của mình, cậu bỏ trường, bỏ lớp. Cậu lao vào cuộc sống với tâm trí của một đứa trẻ, ít học, mặc cảm. Trong thời buổi cái đói gõ cửa từng nhà, chạm vào từng ngõ ngách cuộc sống của tất cả mọi người, nhà của mẹ cũng không ngoại lệ. Anh chị em của me tôi; mỗi người mỗi nơi, tất cả tập trung lo cho miếng cơm manh áo. Có người ra đi mãi mãi vì chiến trận dẫu đứng chiến tuyến nào, người rời bỏ đất nước theo chồng con, người ở lại và đương đầu với thời thế đổi thay, đói và nghèo. Trong thời khắc ấy, rượu có thể là cứu cánh duy nhất để thoát khỏi thực tế quá đau khổ? Tôi cũng không trả lời được, nhưng tôi đoán đấy cũng là nguyên nhân đưa cậu tôi đến với những cơn mê rượu bia kéo dài.
Ai cũng đến tuổi lập gia đình, căn nhà của ông bà ngoại chia ba, chia năm, mỗi người con cùng gia đình, chung nhau sống trong một khoản đất chật chội. Chật đến nổi cả tiếng thở dài giữa đêm từ gian bên cạnh cũng có thể nghe rõ mồn một. Mẹ sinh ra tôi, sau đấy vài năm cậu có đứa con trai đầu lòng. Mẹ, cậu và cả gia đình vẫn phải vật lộn với cuộc sống từng ngày. Đâu đấy tại thời điểm này, cậu say nhiều hơn.
Khi tôi bắt đầu có ý thức về những gì diễn ra quanh mình, khi tôi bắt đầu ghi nhớ những sự kiện, kỷ niệm, tôi cũng bắt đầu ghi nhớ hình ảnh của cậu. Không phải là một ông cậu trẻ vui vẻ, hiền lành; mà là một người đàn ông say xỉn, hay quậy phá gia đình, vợ con trong những cơn say triền miên. Tôi chưa bao giờ thích cậu, thương cậu, tình cảm trong tôi dành cho cậu, chỉ đơn giản là dưới danh nghĩa của một người họ hàng, tôi biết đến cậu chỉ vì cậu là em trai của mẹ tôi. Chỉ có vậy.
Khi ba tôi qua đời. Tôi thay đổi cách nhìn về cậu khi thấy cậu chạy đi chạy lại trong đám tang. Khi thấy cậu nhiệt thành giúp đỡ mẹ tôi những công việc chân tay mà không nề hà. Cái dáng vẻ chăm chỉ làm việc, không màng đến những cái khác cứ vậy lưu mãi trong tâm trí tôi. Nó mạnh mẽ đến mức sau này, có nhiều lần cậu xúc phạm đến mẹ tôi, đến dì tôi, tất nhiên là trong những cơn say, tôi có thể bực dọc trong thời điểm ấy và rồi cũng tha thứ cho cậu. Sự tử tế sâu thẳm trong mỗi con người, thật sự có sức mạnh lớn đến vậy.
Giờ đây, cậu nằm trong bệnh viện sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật. Đau đớn. Ngón tay bị cắt bỏ dần và mạng sống thì đang nằm trên một sợi chỉ mong manh. Tôi tự hỏi, lúc này cậu nghĩ gì? Liệu trong những cơn đau triền miên, cậu có nhìn thấy quãng đời mình quay trở lại trước mắt, thấy những tháng năm dài của sự khốn cùng, nghèo khó. Cậu có thấy được phút giây nào vui vẻ? Có nhớ được việc tử tế cậu đã làm? Cậu có còn nhìn thấy chính mình?
Trong tiếng thở dài của mẹ trên điện thoại, tôi không biết nói gì, chỉ biết im lặng đón nhận tin tức mẹ đưa đến. Dẫu có qua bao nhiêu lần cậu làm mẹ tôi tức đến khóc nghẹn, bà vẫn không thể không cầm nước mắt khi nhìn thấy cuộc đời cậu sắp trôi đi. Một kiếp người, nói cho cùng chỉ có thể trói buộc với nhau bởi hai chữ “gia đình”, có phải vậy không?
Tôi không biết phải làm gì, chỉ mong đâu đấy trong những cơn mê, cậu, ít nhất một lần biết được, đã tử tế như thế nào trong mắt tôi. Tôi hy vọng, ý nghĩ ấy có thể làm cậu thấy hạnh phúc, dẫu hiếm hoi, trong cuộc đời đau khổ của cậu.