Tháng tư và những điều khác

Cứ mỗi độ tháng tư về tôi thường để tâm trí của mình chìm ngập trong những suy nghĩ lộn xộn, không đầu không cuối. Suy nghĩ, hoặc có lúc tôi cũng không rõ mình đang suy nghĩ hay hồi tưởng, đan xen và trộn lẫn vào nhau. Nếu có thể hình dung, hãy tưởng tượng tôi là một chú mèo đang chơi với một cuộn len rối bời, cuộn len đấy chình là đầu óc của tôi mỗi khi tháng tư về. Tại sao? Tôi vẫn thường hay nghĩ về điều này trong một thời gian rất dài. Có thể chỉ là một thói quen từ thời sinh viên hoặc sớm hơn.

Tôi nhớ Madonna đã từng nói một câu thế này trong lúc tưởng niệm cái chết của Michael Jackson tại lễ trao giải MTV Video Music Award, “…khi Michael Jackson lên sáu tuổi, anh trở thành một siêu sao giải trí – đứa trẻ được hâm mộ lớn nhất thế giới. Khi tôi lên sáu tuổi, mẹ tôi qua đời. Nói cho cùng, tình huống của anh có vẻ là tệ nhất. Tôi đã không còn mẹ của mình, và anh không bao giờ có một tuổi thơ đúng nghĩa. Tôi cho rằng, khi bạn không có một điều gì đấy, bạn sẽ ảm ảnh với nó suốt cuộc đời. Tôi đã dành cả thời thơ ấu của mình để tìm kiếm hình bóng mẹ của mình…” Tất nhiên, tôi chẳng ở đâu gần với Madonna hay Michael Jackson, thậm chí là một góc trên cái bóng của họ cũng không bằng, nhưng những lời nói trên của bà hoàng nhạc Pop từ năm 2009 cứ ảm ảnh trong tôi cho đến tận bây giờ. Khi tôi lên chín, ba tôi qua đời. Và quả thật, phải đến năm 2009, mới có người nói cho tôi chính xác những gì mà tôi cần phải nghe, tôi đã dành cả thời thơ ấu của mình, và có thể là đến tận lúc này, để tìm kiếm hình bóng của ông.

Như vậy, có nghĩa là tôi không hạnh phúc? Định nghĩa thế nào là hạnh phúc thật ra tôi chưa giờ nghĩ đến để mà hiểu về nó thì thật khó mà nói tôi có hạnh phúc hay không. Tôi nghĩ mình may mắn, hơn rất nhiều người, và ít nhất ra là may mắn hơn chính em gái mình. Có thể hành trình tìm kiếm của tôi sẽ đỡ vất vả hơn khi tôi biết chính xác cha tôi có hình dáng, điệu cười như thế nào. Em tôi, tiếc thay chưa bao giờ có được sự xa xỉ đấy. Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đấy, em sẽ phải lục lại trong những bức ảnh cũ hay nhìn thẳng lên bàn thờ để có thể ghi nhớ khuôn mặt của ông, như tôi vẫn thường làm mỗi khi về thăm nhà. Em, có thể cũng sẽ như tôi, luôn nhìn thấy ông qua những người cha khác khi họ đi cạnh đứa con của mình. Thấy rõ hình ảnh phản chiếu của ông trên những nhân vật người cha trên các bộ phim, kịch nói hay tất cả những hình thức nghệ thuật biểu diễn nào khác. Biết đâu đấy, khi những ngày của tháng tư đi qua, em và tôi sẽ luôn cố gắng đưa mắt để tìm kiếm để rồi ở những giây phút như vậy, có một cái gì đấy nhói lên, chỉ một chút thôi những cũng đủ kéo chúng tôi về một thực tại chúng tôi phải đi qua. Điều này có kinh khủng không? Sống với một sự ám ảnh? Tôi nghĩ là không.

Gần đây, khi lục lọi trong tâm trí của mình, tôi chợt phát hiện có một câu hỏi mà trước giờ tôi chưa bao giờ tự hỏi mình cũng như chưa nghe ai hỏi tôi khi ba tôi qua đời. “Tôi cảm thấy như thế nào?” Nghe thì có vẻ buồn cười. Một thằng nhóc chín tuổi thì cảm thấy cái gì? Nhưng đến tận lúc này, một thằng người hai tám tuổi như tôi cũng không biết phải cảm thấy như thế nào. Và dường như tôi cũng chưa bao giờ hỏi mẹ mình bà cảm thấy như thế nào đối với sự ra đi của cha? Chúng ta thường nhắn nhủ nhau những lời động viên. Mọi người thường hỏi mẹ tôi cuộc sống như thế nào. Bạn bè thường hỏi tôi dạo này thế nào. Tuyệt nhiên không ai hỏi nhau cảm thấy như thế nào. Dường như chúng ta không quen nói về cảm xúc của mình. Điều này trở thành một thói quen, lớn đến mất nhiều khi những người trưởng thành quên mất họ phải cảm thấy như thế nào sau một một ngày, một sự kiện hay một đời người. Tôi biết tin ba tôi mất trước cả mẹ mình, và tôi đã không khóc. Tôi bước gần đến cây xào phơi đồ, nắm lấy nó thật chặt và chỉ đứng đấy. Không một giọt nước mắt. Nếu có ai hỏi tôi lúc đấy tôi cảm thấy điều gì, đến bây giờ tôi sẽ có một câu trả lời rõ ràng. Tôi không cảm thấy gì ngoài một sự trống rỗng. Tôi không nghĩ đây là lời của một thằng đàn ông hai mươi tám tuổi. Đây chính xác là cảm giác của đứa trẻ lên chín năm nào. Bởi đấy chính là trải nghiệm đầu tiên của tôi đối với mất mát. Tôi không thể hình dung, không thể phản ứng với nó. Chỉ đến khi tôi thấy mẹ mình chìm trong nỗi buồn và nước mắt, tôi mới lần đầu cảm giác được sự đau đớn của cảm xúc. Tôi nghĩ từ lúc này, tôi sẽ hỏi bản thân cảm thấy như thế nào nhiều hơn. Bởi mỗi khi đối diện với câu hỏi này, tôi sẽ luôn nhớ về trải nghiệm đầu tiên với cảm xúc của mình, để nhận ra một điều, nỗi buồn dạy tôi bài học đầu tiên, và tình yêu dành cho mẹ lớn dần lên cùng với nỗi buồn. Nỗi buồn dạy cho tôi yêu thương và trống rỗng dạy tôi trở thành tôi của ngày hôm nay.

Tóm lại, tôi có hạnh phúc không? Ở một khoảnh khắc nào đấy, tôi nghĩ mình may mắn được thương yêu và cho cơ hội để làm những điều mình muốn làm. Và thi thoảng, tôi tự tin là mình cảm thấy hạnh phúc. Còn lại, tôi vẫn cứ làm công việc của mình, đi con đường mà tôi muốn đi. Không hẳn là một sự tự do tuyệt đối, nhưng tôi biết từng chút một, mình đang xây một cái gì đó cho chính mình, sống cuộc đời của mình. Và với ý nghĩ đấy, tôi biết là mình ổn trong những suy nghĩ lộn xộn của chính mình.

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.