Cách đây hai tuần, giữa những bộn bề công việc, mình chợt đưa mắt nhìn ra khung cửa kính của tòa nhà. Nhìn cái không khí ảm đạm của những ngày mưa và mây, mình chợt nhớ đã tròn một năm ngày bà nội mất. Nội là một trong những người lớn cuối cùng của thế hệ ấy mà mình còn được biết. Tất cả những người ông, người bà của tuổi thơ mình đã ra đi từ lâu, từng người một đi theo dòng chảy của thời gian để bay về một miền hư ảo của ký ức.
Ngày bà mất, như bao nhiêu người con xa nhà trên mảnh đất đô thị phồn hoa này, mình nhận thông tin qua một tin nhắn, một cuộc gọi. Thông tin ngắn gọn, vừa đủ để mình thu xếp thời gian bay về quê, đưa tiễn bà và đi qua một không khí có phần siêu thực. Mình đã từng nghĩ mình sẽ không khóc, bởi bà đã sống một cuộc đời trọn vẹn theo ý mình, hoặc đấy là ấn tượng mình có. Nhưng khi những lời kinh đọc lên, tiếng trống chiêng ngày đưa tiễn linh cữu ra xe về Huế, mình đã bật khóc. Mình không nhớ mình đã khóc vì điều gì, hoặc có thể mình đã khóc cho một kiếp người đã khép lại để trở về với đất mẹ. Và mình tiếc nuối vì một điều gì đấy đã ra đi mãi mãi.
Mình không nhớ mình đã từng chụp một bức hình nào về bà nội. Lục lại thư viện ảnh trong chiếc điện thoại, mình cảm giác dường như không thể quay ngược lại từng khoảng thời gian với vô vàn bức hình của những mảnh kỷ niệm không đầu không cuối. Nỗ lực đi ngược lại thời gian qua cả ngàn bức ảnh khiến mình thấy mệt mỏi. Dường như chưa có một bức ảnh nào được chụp. Khi mình còn sở thích chụp ảnh bằng máy ảnh, mình đã từng chụp ông nội mình vài bức hình, chỉ vài tháng trước ngày ông ra đi. Đôi lúc nhìn lại những tấm hình này, mình thấy mình may mắn vì đã chụp được những khoảnh khắc ấy của ông, một cái gì đấy rất riêng giữa hai ông cháu. Khi chụp ảnh ông, mình đã cùng ông nói những câu chuyện không có một ý nghĩa gì cụ thể. Mình chọc cho ông cười, khen ông vẫn còn rất phong độ. Mình cứ đưa máy lên, nhìn qua ống kính như thể muốn đưa ông vào một khung hình để đóng khung ở đấy, ở một điểm dừng lại của thời gian, để luôn được nhìn thấy ông như vậy. Đấy cũng là lần duy nhất, mình có cảm giác thật sự mãnh liệt rằng, ông là ông nội của mình. Nhưng với bà nội hay bà ngoại thì mình lại không may mắn như vậy. Giờ đây khi muốn nhớ về hai bà, mình chỉ có thể tìm kiếm qua những bức hình người khác chụp hay trong những cuốn album ảnh cũ kỹ được cất trong một góc phòng mà cả năm có khi chưa được mở ra một lần nào.
Chỉ khi có một tiếng gọi nào đấy từ quá khứ hiện diện trong hình dạng của một cảm giác, một khung cảnh, thì chúng ta mới nhớ lại những con người của quá khứ ấy và mong muốn được nhìn lại họ một lần nữa. Một hai năm trước khi bà nội mất, mình và bà có một mối quan hệ không được tốt. Mình cảm ơn cuộc sống đã cho mình cơ hội được làm lành với bà, được cười và nói chuyện với bà vài lần trong năm cuối đời của bà. Trong cuộc sống, có những sự vật, sự việc cứ vậy mà diễn ra và gây ra nhiều tổn thương trong mỗi người với những góc nhìn khác nhau. Ai cũng cho là mình đúng, nhưng nếu như cái gì cũng rõ ràng trắng đen như vậy, có thể ta đã chẳng có được một thế giới như bây giờ. Nội của mình đã có một cuộc đời nhiều khó khăn và đến cuối cùng, cảm giác mình có với bà luôn là một sự nể phục, vì bà đã đi qua rất nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc sống bằng chính sức lực của mình. Và đến cuối đời, bà vẫn còn đủ minh mẫn để có thể tận hưởng một tách cà phê đen thật ngon và thư thái đọc tờ báo nơi chú mình làm việc gần hai mươi năm. Nghĩ về điều này khiến mình cảm thấy dễ chịu, và mình biết bà nội, cũng như ông nội và ông bà ngoại, sẽ luôn là một phần của mình, là những gì làm nên con người mình và sẽ luôn ở trong miền ký ức nào đấy để thi thoảng khi nghĩ về, mình sẽ luôn có cảm giác thân thuộc và được yêu thương.
Có lẽ đã lâu mình chưa có cơ hội được thể hiện cảm xúc của mình một cách rõ ràng khi mọi thứ đang cuốn mình vào một guồng quay tất bật. Đôi khi mình lười nhìn vào chính bên trong mình để xem mình thật sự cảm thấy gì, cứ vậy mà bước đi, cứ vậy mà phản ứng lại với những gì đang diễn ra. Nhưng con người mà, có phải robot đâu nhỉ. Rồi cũng phải ngồi xuống, hít thật sâu và tự hỏi, mình đang cảm thấy thế nào, chỉ cần vậy là đủ. Ký ức và kỷ niệm có những lúc như vậy, đột nhiên xuất hiện, lôi mình đi vào một không gian với nhiều điều để suy nghĩ, để nhớ về những khuôn mặt, những hình hài của những người thân yêu, để biết mình vẫn sống và họ sẽ vẫn luôn ở đây, trong miền ký ức của mình.
Trời Sài Gòn đang ở trong cái mùa mà cảm xúc cứ dễ dâng trào quá. Những cơn gió thổi qua, những cơn mưa bất chợt, một buổi chiều không nhiều nắng cũng khiến mình dễ đưa suy nghĩ trôi tuột đi đâu đấy, đôi khi lại cứ nhớ đến người này người kia. Có hôm chỉ tình cờ nghe một bài nhạc lại làm mình nhớ mẹ đến mức mắt cứ tự động thấy cay cay.
Gần đây mình nghe đi nghe lại bài “Tỉnh thức sau giấc ngủ đông” do anh Bằng Kiều, anh Hồng Sơn, Binz và S.T Sơn Thạch hát trên chương trình tivi. Có thể trải nghiệm và những gì họ đã đi qua trong cuộc sống đã khiến bài hát trở nên có chiều sâu hơn với mình, khiến mình đồng cảm hơn rất nhiều. Và mỗi lần nghe bài hát do họ thể hiện, mình lại nhớ ba. Chỉ vậy thôi.
PS: Xem bài hát Tỉnh thức sau giấc ngủ đông