Cách đây mấy ngày tôi có nghe thông tin người dân ở Biên Hòa chen nhau “hôi bia” từ một tai nạn của bác tài xế lái xe chở bia Tiger. Nhiều người hoang mang và đặt câu hỏi về ý thức cũng như sự suy đồi của đạo đức xã hội của chúng ta. Tôi thì thấy cũng không ngạc nhiên về sự xuống cấp này lắm khi gần đây chính cuộc sống của gia đình tôi và những người tôi quen biết cũng bị đe dọa bởi hành động của sự không minh bạch và sự đe dọa của dấu hiệu tham nhũng.
Ở Đà Nẵng quê tôi, nơi mà gần đây tôi được nghe rất nhiều bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh hay những nhiều “cư dân mạng” gọi là “thành phố đáng sống”, tôi cũng từng nghĩ như vậy nhưng thật ra trên bề mặt của những điều tốt đẹp, lại tồn tại những điều không được công bằng và có phần ám mụi, mà tôi nghĩ nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến một thế hệ mới sau này.
Câu chuyện bắt đầu từ việc trường mầm non 29-3 “được” công ty cổ phần Lương Thực Đà Nẵng mua lại dưới hình thức xã hội hóa và được Quận Ủy Hải Châu đồng ý. Ngôi trường mầm non công lập này trước khi “được” mua lại có hơn 300 cháu từ độ tuổi nhà trẻ đến mẫu giáo với gần 30 cán bộ nhân viên và giáo viên, vốn là địa điểm tin cậy cho các bậc phụ huynh với mức thu nhập trung bình (có người còn rất khó khăn) gửi con cái của mình vào học mà một phần nào đó không lo lắng gì về gánh nặng học phí vì đây là trường công lập với mức học phí phù hợp khả năng chi trả của họ. Vậy mà sau hơn 2 tháng xã hội hóa, mức học phí tăng gấp 2 – 3 lần đã khiến số lượng cháu giảm từ trên 300 xuống còn 130 cháu, một điều quá dễ hiểu là bởi những phụ huynh có mức thu nhập ít ỏi sẽ không thể nào kham nổi mức học phí gia tăng này và hậu quả là con cái của họ mất đi một ngôi trường đáng tin cậy để được dạy dỗ, và giải pháp duy nhất là phải gửi con cái về các nhóm trẻ gia đình mà chất lượng dạy dỗ cũng như tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mà chính bản thân thành phố cũng chưa có được đề án quản lý tốt nhất.
Tệ hơn nữa, các giáo viên biên chế của trường đã rơi vào tình trạng không có công ăn việc làm vì trường thì đã “bán” mà tình trạng biên chế trong ngành thì đã đủ. Các cô, có người đã có hơn 20 năm công tác, cũng chỉ biết ngồi nhà chờ chỉ thị tiếp theo của phòng giáo dục, sự việc kéo dài gần 1 đến 2 tháng. Sau nhiều phản ánh, sau nhiều kiến nghị, rốt cuộc họ cũng được phân về các trường mầm non công lập khác. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy, bởi tình trạng biên chế ở các trường cũng đã đủ, nên các cô từ trường 29-3 đến các trường khác lại một lần nữa rơi vào tình trạng không có việc để làm. Họ đi lay lắt trong trường và có người từ giáo viên phải xuống làm cấp dưỡng, có người vì không chịu nổi áp lực ngồi không nên đã phải làm đơn xin về hưu sớm, dù họ còn đến gần 10 năm công tác. Rồi đây số phận những người phụ nữ này sẽ như thế nào? Họ phải làm gì tiếp theo để kiếm kế sinh nhai, mà trên vai họ còn là gánh nặng của gia đình vào con cái?
Những bất bình của phụ huynh, giáo viên của trường mầm non 29-3 vẫn chưa có lời giải đáp từ phía Quận Ủy Hải Châu thì mới đây, một ngôi trường mầm non công lập khác, ngôi trường mà tôi đã được nuôi dạy cũng như là nơi mà mẹ tôi trải qua 30 năm công tác, cũng chuẩn bị rơi vào tình trạng tương tự, bị “bán” cho cùng công ty Cổ Phần Lương Thực Đà Nẵng.
“Tại cuộc họp hội ý Thường trực Quận ủy ngày 25/11/2013, Thường trực đã nghe đồng chí Chủ tịch UBND quận báo cáo về việc Công ty cổ phần Lương thực Đà Nẵng xin đầu tự dự án XHH giáo dục Trường MN Tiên Sa.
Xét thấy nguyện vọng của Cty phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển công tác GD – ĐT trên địa bàn quận, Thường trực Quận ủy thống nhất với nội dung được nêu tại Văn bản số 696 ngày 31/12/2011 của Cty cổ phần Lương thực Đà Nẵng. Đề nghị UBND Quận Hải Châu chủ trì làm việc với Công ty xây dựng phương án triển khai chi tiết và trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt theo đúng quy định”
Đó là những gì trích ra từ văn bản dài không được 4 trang A4 về quyết định xã hội hóa trường mầm non Tiên Sa – ngôi trường được thành lập từ năm 1981 dưới vốn đầu tư viện trợ của Unicef, sau nhiều khó khăn mới được công lập hóa giờ lại bị “bán” vào tay công ty cổ phần để chuyển sang tư thục. Không có một quá trình chi tiết nào được công bố khi đơn xin của công ty CP Lương Thực là từ năm 2011, không có một lý do cụ thể nào được đưa ra về những quy định như thế nào để “xã hội hóa” một ngôi trường công lập. Chỉ căn cứ vào việc một công ty làm đơn và UBND quận Hải Châu xét thấy hợp lý thì cứ thế mà “bán” trường cho công ty đó? Ít nhất ra, nếu một ngôi trường công với cơ sở vật chất yếu kém, Sa sút và không có đủ cán bộ nhân viên để điều hành và duy trì hoạt động ổn định, cũng như UBND không đủ ngân sách để tu sửa nên mới dẫn đến quyết định bán trường, thì phải có quy định về mức độ xuống cấp của cơ sở vật chất, trình độ của giáo viên cũng như chất lượng cháu. Trong khi Tiên Sa là trường có cơ sở vật chất tốt, 100% giáo viên đạt chuẩn và cháu nhận vào luôn vượt chỉ tiêu của thành phố và phụ huynh muốn xin vào cho con đi học phải đăng ký từ rất sớm.
Những yếu kém về mặt quản lý của công ty CP Lương Thực Đà Nẵng đối với tình trạng hiện nay của trường Mần Non 29-3 với số lượng trẻ giảm gần 200 cháu, nợ lương của giáo viên… là một minh chứng hùng hồn cho việc công ty này không khả năng điều hành hay giáo dục, vậy tại sao nó được mua lại một trường mầm non công lập khác? Nếu vậy thì việc mua một ngôi trường chỉ đơn giản là bạn có tiền là được thôi sao? Nếu vậy một công ty X nào đó có thật nhiều tiền và nộp đơn lên UBND quận Hải Châu xin mua trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh (một ngôi trường cấp 3 lớn tại Đà Nẵng) là được sao?
Một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của hơn 38 cán bộ nhân viên và giáo viên trong trường, của hàng trăm cháu đang học tại trường cũng như của những bậc phụ huynh đang gửi con tại trường lại được đưa ra một cách mau lẹ, không thông báo rõ ràng, cụ thể cũng như có một lộ trình rõ ràng. Rồi đây những người giáo viên với hơn 20 năm gắn bó tại trường mầm non Tiên Sa sẽ đi về đâu? Họ lại tiếp tục theo lối mòn của những cô giáo trường 29-3 ư? Ngồi chờ trong mòn mỏi được phân về các trường vốn thừa biên chế khác để rồi sau đó đau đớn tự làm đơn xin về hưu sớm để rồi những năm cuối cùng trước khi về hưu, tưởng chừng sẽ được an nhàn lại tiếp tục cong lưng lên gánh gồng gánh nặng của cuộc sống, của cơm áo gạo tiền?
Rồi những đứa trẻ của những gia đình nghèo khó với mức thu nhập chỉ đủ sức gửi con vào các trường mầm non công lập cùng tuyến như thế này sẽ ra sao? Lại phải vào những nhóm trẻ gia đình với chất lượng giáo dục không tốt? Có những nguy cơ đe dọa đến sự phát triển về thể chất và tâm hồn khi những “người nuôi dạy trẻ” trong các nhóm trẻ này vốn hạn hẹp về trình độ?
Giáo dục tư thục tốt khi nó được điều hành bởi những người hoặc tổ chức có năng lực. Giáo dục tư thục không dành cho tất cả mọi người mà nó phục vụ cho một nhóm đối tượng nhất định. Tuy nhiên, việc bán hai ngôi trường mầm non công lập mà không đưa ra được lời giải thích thỏa đáng cũng như tạo nên những hậu quả ảnh hưởng lớn đến đời sống của rất nhiều người là một tội ác. Nó là mầm mống cho sự tham nhũng và rốt cuộc, những người bỏ tiền ra mua lại trường theo cách này sẽ dạy dỗ được gì cho những đứa trẻ theo học ở đó? Sự không minh bạch và đi ngược lại sự trung thực?
Đó là câu hỏi mà tôi, cũng như nhiều cô giáo và các bậc phụ huynh khác không thể trả lời.
Phản ảnh của các báo:
Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/Giao-duc/584129/da-nang–khai-tu-2-truong-mam-non-cong-lap.html
Giáo dục và Thời đại: http://www.gdtd.vn/channel/3005/201312/truong-mam-non-cong-lap-lai-chuyen-doi-sang-tu-thuc-1976499/