Không tôi thì ai?

Những ngày gần đây, tôi nghĩ nhiều về bi kịch, những gì đã diễn ra, đang và sẽ đến. Đối với tôi, bi kịch dường như không phải là điều gì xa lạ. Như một người bạn cũ, “chúng tôi” gặp nhau theo những cách không xác định trước, bất ngờ và đường đột. Một cách thường xuyên, tôi và “người bạn” của mình cùng nhau bước đi trong một giai đoạn, không vui vẻ gì, thậm chí là hằn học với nhau, nhưng không cách nào khác là phải dính chặt lấy nhau mà tiến tới, cứ như vậy cho hết một đoạn đường rồi sau đấy lại chia tay nhau mà không hẹn ngày gặp lại. Theo tôi, đây là một mối quan hệ mãi mãi không có hồi kết.

Và cứ vậy, tôi lại chào đón “người bạn” cũ của mình, nhưng với những ý nghĩ khác hẳn so với vài năm trước. Không hẳn là vì tôi đã trưởng thành hơn, nhưng một môi trường khác, một giai đoạn khác của cuộc đời, và trải nghiệm bản thân nhiều hơn nên có mang lại một chút ít khác biệt. Trước đây, khi đứng trước những sự cố không hay trong cuộc sống, tôi có xu hướng tìm những cá nhân/sự vật là nguyên nhân trực tiếp gây ra bi kịch, trách móc và căm ghét họ. Trong những thời điểm như vậy, tôi nhìn đâu cũng thấy dường như tất cả đang quay lưng lại với mình. Tôi gào lên với chính mình về sự cô độc và thiếu may mắn của bản thân. Tôi hằn học ngay cả với chính tôi. Những ngày ấy, nặng nề như chính thân hình quá khổ của tôi vậy. May mắn thay, hoặc giả là cũng đến lúc cảm xúc rồi sẽ đi qua, có những người, những chuyện tôi bỏ qua, quên đi, có những chuyện, những người tôi nhớ cho đến tận thời điểm gần đây, thậm chí đâu đó trong tôi vẫn gợi lên những cảm xúc không thoải mái khi nghĩ về họ.

Cho đến thời gian gần đây, khi có những chuyện lớn hơn về mặt toàn cầu cũng có mà về mặt cá nhân cũng có liên tiếp xuất hiện trong cuộc đời tôi, quan niệm của tôi về “người bạn cũ” cũng đã thay đổi. Có thể tôi đã lớn hơn một chút để mà đứng ngang hàng với “người bạn” mang tên bi kịch. Trước đây tôi chỉ là một đứa trẻ bị “bắt nạt” rồi bưng mặt khóc mà dỗi hờn tất cả mọi thứ xung quanh. Giờ đây tôi là một thằng thanh niên, tôi có thể đàng hoàng đối mặt với bi kịch, cùng đi qua nó với một thái độ bình thản hơn. Nói không hoảng sợ thì cũng không đúng, tôi sợ chứ, sợ rất nhiều thứ. Sợ những gì rồi sẽ diễn ra, sợ những người rồi sẽ gặp, sợ những thứ phải biết và sợ cả những tình cảm vốn không dành cho mình, nhưng tôi biết rồi mọi thứ sẽ đi qua khi tôi giữ được thái độ bình thản của mình. Tôi cho rằng, chỉ khi tôi đủ bình thản, tôi mới có đủ dũng cảm để làm những việc cần làm. Bởi nói cho cùng, không tôi thì ai, để giải quyết những chuyện của chính mình? Mỗi một cá nhân, một sự việc liên quan đến cuộc đời tôi, bi kịch của tôi đều chỉ là một yếu tố phụ, là một diễn viên “quần chúng”. Tôi có thể tức giận họ trong một khoản thời gian, nhưng tất cả những gì để lại sẽ là một bài học để tôi tiếp tục tiến bước, vậy nên có lẽ là tốt nhất khi bỏ qua và để luật nhân quả chạy bánh xe của mình. Tôi đã từng tự hỏi, việc ôm gánh nặng và tìm cách trả đũa để thỏa mãn bản thân trong chốc lát so với việc đau một lần, bỏ qua và sống an nhiên, cái nào khiến tôi thoải mái hơn? Và sau nhiều trải nghiệm, tôi chọn cho mình vế thứ hai. Tôi tự nhận mình là một kẻ già trước tuổi và tôi có nhu cầu sống an nhiên sớm hơn người ta một chút. Tôi hy vọng những người mình yêu quý cũng có thể hiểu và thực hiện được điều này. Nhiều người nhìn vào sẽ cho rằng nói thì dễ hơn làm, nhưng quả thật trong những tình huống thế này, việc làm gì hay không cũng đơn giản lắm, tất cả là ở lựa chọn và mong muốn của chúng ta mà thôi. Bỏ qua hay không bỏ qua, thực chất đều chỉ là sự chọn lựa. Nhẹ nhàng với bản thân, há không phải là chọn lựa dễ dàng hơn sao?

Có nhiều bi kịch khác nhau, có bi kịch chung, bi kịch riêng, bi kịch lớn, bi kịch nhỏ… nhưng tất cả đều có điểm chung là mang đến những nỗi đau khó tưởng tượng, đều cùng một quá trình với những cung bật cảm xúc về sự bất an, lo sợ và nỗ lực để đến một cái đích cuối cùng là vượt qua bi kịch để tìm lại bình yên. Người ở ngoài sẽ không hiểu được người trong cuộc phải trải qua những gì, nên thường có xu hướng đưa ra lời khuyên hoặc lời dè bỉu cái cách mà những cá nhân trong cuộc vượt qua bi kịch của riêng họ, hay cách người khác giúp đỡ, thông cảm với bi kịch của người trong cuộc. Cũng được thôi, đấy là quyền của mỗi người, chính vì vậy, nếu chúng ta có quyền đưa ra lời dè bỉu thì cũng nên cho người khác cái quyền được đương đầu với bi kịch của mình theo cách riêng của họ. Sự thương cảm sẽ không có chỗ cho việc xoa dịu nỗi đau của bi kịch. Sự cảm thông, mặt khác mới là liều thuốc tốt. Mỗi người có một góc nhìn và cách nhìn cuộc sống khác nhau, giá mà ai cũng tôn trọng cách nhìn của người khác thì tốt biết mấy. Và góc nhìn này, không phải của tôi thì ai?

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.