10 cuốn sách quan trọng với mình trong thập kỷ qua

Hôm nay là ngày cuối cùng của năm 2019, cũng là ngày cuối cùng của thập kỷ vừa qua. Mười năm nhanh như một cái chớp mắt nhưng cũng đủ để giúp mình thay đổi nhiều điều. Trong khoản thời gian qua, cách mình tư duy và suy nghĩ đã biến chuyển theo nhiều cách thức khác nhau, nhờ tác động của cuộc sống, nhờ học từ những người bạn và đồng nghiệp giỏi và phần lớn, tất nhiên là nhờ đọc sách.

Trong khoản từ năm 2010 đến giờ, mình đọc được tầm 290 cuốn sách, không theo một thể loại chủ đạo nào, quyến sách nào khiến mình hứng thú mình sẽ cố gắng đọc cho dù đấy có thể là một thể loại hoàn toàn mới hoặc một thể loại mình không thấy thân thuộc.

Đối với mình, một cuốn sách hay và quan trọng là một cuốn sách:

  • Khiến mình suy nghĩ, tự đặt ra nhiều câu hỏi với bản thân đối với thế giới quan bên ngoài mình.
  • Khơi gợi cảm xúc và dẫn lối mình đến những bình diện cảm xúc mà từ đấy, giúp mình thông cảm với người khác nhiều hơn.
  • Cung cấp kiến thức và mở rộng tri thức của mình.

Với 3 điểm trên, thì dưới đây, sau 10 năm đọc sách, mười cuốn sách mình cho là đã tác động lớn đến cách mình suy nghĩ, hy vọng mọi người có thể tìm đọc và chúng ta có cơ hội trao đổi với nhau nhiều hơn về những cuốn sách tuyệt vời này. Danh sách liệt kê ngẫu nhiên, không theo một thứ tự ưa thích nào.

Người truyền ký ức (The Giver)/ Tác giả: Lois Lowry

Người truyền ký ức mang lại một trải nghiệm đầu tiên về “tương lai” và cách nhà văn Lowry khơi gợi những cảm xúc sâu xa và giúp đồng cảm với nhân vật thật sự mở ra một cách nhìn nhận về thời giới bên ngoài của mình. Một hành trình đầy tính cảm xúc, cảm hứng với những “quy luật” đặc biệt.

Gỗ Mun (The Shadown of the Sun)/ Tác giả: Ryszard Kapuściński

Cuốn du ký đầu tiên mình đọc. Châu Phi lần đầu được khắc hoạ trong tâm trí mình. Đây là cuốn sách của một con người ở bên trong châu Phi, sống cùng châu Phi, chứng kiến nhiều, rất nhiều cái chết châu Phi, và trong nhiều dịp khác nhau đã rất gần với cái chết châu Phi. Có rất nhiều quan sát tinh tế của tác giả trong cuộc hành trình này, mà với độc giả sẽ mở ra một cánh cửa đầy hứng khởi.

Tâm lý học đám đông (La Psychologie des Foules)/ Tác giả: Gustave Le Bon

Đây là tác phẩm có ảnh hưởng lớn và góp phần định hình cách mình nhìn nhận về tâm lý con người và tâm lý đám đông. Sách được viết vào cuối thể kỷ thứ 19 nhưng tính ứng dụng của nó đến thời điểm hiện tại là vô cùng lớn. Nghiên cứu của Gustave Le Bon có ảnh hưởng to lớn và cũng làm cơ sở cho nhiều nhà nghiên cứu sau này.

Ý tưởng này là của chúng mình/ Tác giả: Huỳnh Vĩnh Sơn

Đây là cuốn sách mang nhiều tình cảm cá nhân nhất đối với mình trong 10 năm qua. Nói về sách dành cho “dân” quảng cáo sáng tạo, đây chưa hẳn là cuốn sách xuất sắc nhất. Nhưng, đây là cuốn sách dễ thương nhất và các bạn mới bắt đầu muốn bước chân vào lĩnh vực quảng cáo sáng tạo, hãy dành chút ít thời gian để đọc Ý tưởng này là của chúng mình. Chân thật, đơn giản và nhiều tình cảm.

Cuộc đời của Pi (Life of Pi)/ Tác giả: Yann Martel

Choáng ngợp. Sự tưởng tượng phong phú và xuất sắc, cộng với một bản dịch cũng đầy sức quyến rũ của Trịnh Lữ. Càng đọc càng thích và càng mê say. Life of Pi là một trong những cuốn sách mà mình có thể đọc lại nhiều lần và mỗi lần sẽ tìm thấy một điều gì đấy mới mẻ. Một hành trình đau đớn của Pi, nhưng thật sự đẹp.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (War’s Unwomanly Face)/ Tác giả: Svetlana Alexievich

Khi chiến thắng không đồng nghĩa với hoà bình là điều mình cảm nhận khi đặt tác phẩm kết hợp giữa văn chương và phóng sự báo chí này xuống. Các câu chuyện về chiến tranh đa phần cũng đều được kể lại từ góc nhìn đàn ông và bởi đàn ông, Chiến tranh không có khuôn mặt một phụ nữ là một tác phẩm nhấn rất sâu vào lằn ranh về giới nữ. Svetlana Alexievich đã kéo những người phụ nữ ấy ra khỏi bóng tối hàng thập kỷ kể từ sau Thế chiến kết thúc, nơi họ đã náu mình hoặc bị quên lãng, nơi mà họ cố gắng nhưng chưa từng quên được cuộc chiến đã lấy đi của họ không chỉ năm tháng thanh xuân. Bằng tấm lòng, tầm nhìn và chiếc máy thu âm, Svetlana Alexievich đã thu thập được từng mảnh ký ức rồi dệt chúng thành một kiệt tác đủ sức làm chấn động lòng người. Mình tin, ai đã đọc tác phẩm này sẽ có một cái nhìn rất rất khác về chiến tranh và những người phụ nữ.

“Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc đến buồn nôn sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi. Tâm thần.”

Như Svetlana Alexievich viết ở đầu sách và bà đã làm được.

Phi lý trí (Predictably Irrational: The Hidden Forces That Shape Our Decisions)/ Tác giả: Dan Ariely

Phi lý trí là cuốn sách mình vẫn đọc lại thường xuyên khi lên kế hoạch thực hiện một chương trình bán hàng hay marketing nào. Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất và hữu dụng nhất của Dan Ariely đối với mình, phần tiếp theo của cuốn sách này không khiến mình ấn tượng lắm. Tác giả đã mở ra cho người đọc những khám phá thú vị về động cơ tiềm ẩn của con người.

Vô tri (L’ignorance)/ Tác giả: Milan Kundera

Một cuốn sách tuyệt vời trong từng câu chữ. Cách Kundera mê hoặc mình nằm ở những câu dài, viết như viết luận nhưng đây là một tác phẩm văn học. Ông tạo nên sự mạch lạc, rõ ràng, sắc nhọn, cay đắng, và thấm đẫm những luận đề, lý giải, những giễu nhại, cười cượt trong Vô tri. Tác phẩm giúp người đọc nhìn thẳng vào quá khứ, dùng quá khứ để đối thoại với thực tại, vạch trần thực tại, và đau khổ cho thực tại. Một cuốn tiểu thuyết của một nhà báo, rất đáng đọc.

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương (olorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage)/ Tác giả: Haruki Murakami

Tất nhiên tổng kết một thập kỷ của mình không thể không có một tác phẩm nào của Haruki Murakami, bởi ông là nhà văn có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với mình. Mình đọc các tác phẩm của Murakami ở độ tuổi thanh xuân và bị mê hoặc bởi lối viết của ông. Tuy nhiên, duy nhất chỉ có tác phẩm Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương là tác phẩm thật sự có những tác động lớn đến cách mình suy nghĩ. Mình đọc tác phẩm này khi đã bước vào tuổi 30, và ở một giai đoạn mang tính bước ngoặc trong cuộc đời. Một hành trình giúp mình cảm thấy sự cân bằng.

Tazaki Tsukuru đã hiểu ra, ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình. Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực

A Brief History of Humankind (Sapiens: Lược sử loài người)/ Tác giả: Yuval Noah Harari

Đây chắc hẳn là cuốn sách nghiên cứu về lịch sử loài người nổi tiếng nhất (chưa hẳn là xuất sắc nhất) trong thế kỷ 20. Sapiens đã có một lối tiếp cận liên ngành học, bắc cầu qua những khoảng cách giữa lịch sử, sinh học, triết học và kinh tế theo một cách dễ hiểu nhất đối với người đọc phổ thông. Sapiens là một tác phẩm nên đọc, nhất là đối với những người trẻ để có được một quan điểm bao quát hơn về xã hội loài người. Hai tác phẩm tiếp theo của Yuval không được hấp dẫn như Sapiens.

Vậy coi như là đã kết thúc 10 năm với nhiều thay đổi, nhiều điều thú vị. Nếu ai cần mua cuốn sách nào ở trên cứ nhấn vào tiêu đề để mua tại Tiki. Hy vọng thập kỷ tiếp theo, mình sẽ đọc được thêm nhiều cuốn sách thú vị nữa.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.