Những ngày rực rỡ (2)

1. Cái tựa đề có lẽ không đúng lắm với chiều thứ bảy mưa dữ dội của Sài Gòn, cũng lâu rồi tôi mới được chứng kiến một đoạn đường dài đầy nước như thế, vừa đi vừa cầu trời sao cho mấy bạn đi ngược hướng đừng có đi nhanh quá, rồ gas mạnh quá kẻo nước văng hết lên mặt mình, nhưng có lẽ do ăn ở không được tốt nên tôi phải đưa mặt ra mà hứng chịu những đợt tát nước vào mặt và một lần nữa cầu trời là ngày hôm sau không có nổi cái gì lên trên mặt. Chỉ trừ chi tiết đó thôi thì ngày thứ bảy của tôi thật sự đẹp, tôi đã tìm được cho mình một chốn về khá lý tưởng. Tôi nhận ra được một vài kiến thức bổ ích cho công việc hiện tại của mình và tôi được tham dự một bữa cỗ với không khí nồng ấm. Những điều này mang lại cho tôi những cảm xúc khó tả, vừa là sự nhớ nhung về gia đình, về quê hương, lại vừa là sự hoài niệm về những khoảng thời gian xa xưa, khi tôi còn có cho mình một khu xóm nhỏ với những người bạn thời niên thiếu và tình cảm mộc mạc của làng xóm. Khi cuộc sống càng hiện đại, chúng ta thường ít quan tâm đến nhau hơn và cứ như vậy, cái khái niệm tình làng nghĩa xóm cứ thế mà mai một dần. Bất chợt tôi lại được sống trong cái không khí ấm áp ấy khiến tôi có lúc không chịu đựng nổi cảm xúc của chính mình, và điều này làm tôi thêm yêu cái thành phố xô bồ này, bởi đâu đó tôi vẫn có thể bắt gặp được những cảm xúc làm nóng tâm hồn mình.

2. Tôi vừa chào tạm biệt một người đồng nghiệp sau 2 tuần, đây là điều hết sức bình thường đối với ngành này khi có lúc sáng vào bắt tay chào nhau chiều đã chia tay mất dạng, nhưng ở anh có một điều khiến tôi đồng cảm bởi động lực muốn bắt đầu lại từ đầu và mong muốn được thay đổi môi trường sống. Tôi nhìn thấy mong ước của mình nơi anh, chỉ có một điểm khác là anh dũng cảm và có nhiều trách nhiệm hơn tôi khi mang theo anh là cả một gia đình cùng vợ và con trai. Bắt đầu lại cho chính mình đã khó, cho cả gia đình là một điều gì đó đáng ngưỡng mộ. Chỉ thầm mong anh và gia đình sớm tìm được điểm neo của mình trên mảnh đất này. Những con người thích xê dịch luôn để lại trong tôi một ấn tượng tốt. Trong khoảng thời gian này, tôi nghe người ta nói nhiều về sáng tạo, về ý tưởng và tầm quan trọng của nó, tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Chỉ có một điểm khác, tôi vẫn cho rằng sự chuẩn bị cho việc xử lý khủng hoảng cũng quan trọng không kém. Đến tận lúc này tôi vẫn tin như vậy và bây giờ tôi nghĩ rằng điều này sẽ nằm trong kim chỉ nam làm việc của mình.

3.
Tôi đọc xong Thư gửi bố của Kafka trong một một buổi sáng yên tĩnh. Từ chỗ tôi chọn ngồi trong quán cà phê nhìn xuống đường Hoàng Văn Thụ  và có thể thấy thật nhiều cây xanh. Cái màu xanh dễ chịu ấy làm tâm trí tôi bình lặng. Những dòng người di chuyển với sự gấp gáp thường trực hoà lẫn trong sắc xanh dịu mắt kia ít nhiều làm tôi nghĩ đến một bức tranh chỉ toàn một màu xanh lá với những đưởng thẳng đỏ rực được vẽ loạn xạ, không theo một trật tự nào, nó vừa mang lại sự bình yên, vừa có một cái gì đó rạo rực.

Đọc Kafka làm tôi nhớ về cha của mình, tất nhiên mối quan hệ của tôi và ông không phức tạp như của tác giả với bố mình, một phần lý do nằm ở chỗ mối quan hệ của tôi chỉ kéo dài 9 năm và số năm tôi nhận thức được về sự tồn tại của ông chỉ có 4. Nhưng điều đó thật sự không quan trọng bởi tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng ông là một người thật sự dịu dàng, và ấn tượng đó sẽ đi theo tôi cả cuộc đời. Đến bây giờ khi ông đã yên nghỉ thật lâu rồi và thậm chí khi nhắm mắt lại tôi không thể nào hình dung được nét mặt của ông một cách rõ ràng, tôi vẫn biết rằng ông đã và sẽ là một người cha tốt nếu cuộc sống cho ông một cơ hội, cho tôi một cơ hội.

Không phải ai cung được trao cho cơ hội làm cha và không phải ai cũng biết trân trọng điều đó. Trong mối quan hệ cha con, có những người vô tình hay cố ý đã để lại một dư chấn khủng khiếp cho con cái mình trong quá trình trưởng thành. Có thể những người cha ấy không cố ý, có thể chỉ vì sự ích kỷ muốn con cái phải trải nghiệm những gì mình muốn trải nghiệm và không ngừng ngại hù doạ tước đi sinh mạng của những đứa con của mình nếu chúng không làm được những việc mà họ muốn, nhưng một điểm chung ở họ đó là họ đã đưa con mình vào một con đường khó nhọc khi phải lớn lên. Trưởng thành, bản thân quá trình này đã là một sự gian nan, hà cớ gì phải bắt con cái mang trong mình những gánh nặng không đáng có? Thôi thì chỉ biết nói rằng “đời mà!”.

Nhìn lại, trời hình như đã bắt đầu chuyển mưa, nắng sắp tắt và trong tôi còn đó một nỗi nhớ!

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.