Share có ý thức

duynt_share_co_y_thuc

Tôi nhớ có một lần mẹ kể cho tôi nghe một câu chuyện thế này, ở xóm cũ của tôi cách đây cả hơn chục năm có một gia đình nọ chuyên bán cháo gà ngoài đường lớn, buôn bán qua ngày để nuôi con cái ăn học, không hẳn là khá giả gì nhưng không đến nổi đói, như vậy có thể gọi là một cái gì đó thành công vào thời điểm ấy. Một ngày, bà vợ mua vé số từ một bà bạn hàng già cả phải tiếp tục mưu sinh vì miếng cơm manh áo. Qua ngày hôm sau, bà già bán vé số hớt hơ hớt hải chạy đến thông báo với bà vợ nhà bán cháo gà rằng bà ấy đã trúng số độc đắc, dù bà vợ đã chặn bà già lại để không nói to lên nhưng vẫn có một vài người ngồi đó nghe được, bà vợ nói cần phải kiểm tra cho rõ ràng rồi mới biết chắc được. Vậy mà qua đến hôm sau thì tất cả mọi người trong xóm đều biết nhà bán cháo gà trúng số độc đắc. Qua đến hôm sau nữa thì cả người thân của hai vợ chồng ở tận quê cũng biết tin hai vợ chồng trúng số. Mọi người thay phiên nhau đến chúc mừng, rồi có người còn vòi vĩnh xin cái này cái nọ. Qua đến ngày thứ tư, khi bà vợ đi đến trung tâm xổ số kiến thiết để kiểm tra thông tin thì mới vỡ lẽ là bà già bán vé số vì mắt mờ mà nhầm lẫn ngày dò số chứ nhà bà bán cháo lòng không trúng số gì cả. Về đến nơi bà vợ thông báo với mọi người nguyên văn những gì mà nhân viên trung tâm xổ số đã nói, nhưng không một ai tin, ai cũng bảo bà kiếm cớ này nọ để nói dối về việc trúng số để mà không phải chi ra khoản này khoản nọ. Dân tình quay sang nói xấu gia đình bà bán cháo là bủn xỉn. Từ đầu xóm đến cuối xóm ai cũng râm ran về câu chuyện này, kẻ nói ra người nói vào khiến cho hai vợ chồng ngại không giám đi ra đường hay buôn bán gì trong vòng mấy ngày, đến khi buôn bán lại thì phải hơn một tuần sau lượng khách mới bắt đầu trở lại, nhưng dường như không như trước, khách quen chủ yếu là từ bà con trong xóm ủng hộ thì thưa thớt hẳn. Sau hai năm thì việc làm ăn cũng khó khăn, gia đình bà phải bán nhà chuyển đi nơi khác, đến lúc ấy người ta mới thật sự tin rằng gia đình nhà bà bán cháo không trúng số gì cả.

Câu chuyện đó xảy ra lúc tôi còn rất nhỏ, tất cả những gì tôi biết đều qua việc mẹ kể lại trong lúc hai mẹ ngồi bàn chuyện đời. Nhưng có một chuyện tôi nhớ khá rõ, khi tôi lên 10 hay 11, trong xóm có một chị rất xinh ở đối diện nhà, thường hay đi về rất khuya và mỗi lần đi về đều đi cùng một người đàn ông. Tất nhiên tin đồn chị ấy “làm đĩ” lan đi rất nhanh trong xóm. Thậm chí bọn trẻ con còn dựng lên một bài vè, tôi không nhớ rõ nhưng bây giờ nghĩ lại thì cảm giác ghê người vì sự tổn thương của từ ngữ có thể gây ra mà lúc đó có thể tôi không gọi tên ra được cái cảm giác này. Tin đồn kéo dài hơn nữa năm thì chị gái đó chuẩn bị làm đám cưới, vào ngày gia đình nhà chồng chị ta đến xem nhà thì cũng là lúc bọn nhỏ trong xóm chạy vòng vòng và đọc lên bài vè đó, tất nhiên sau đó thì cãi vã ầm ĩ. Suốt một tuần sau đó tôi thấy ngày nào chị ấy cũng khóc và tối thì vẫn có một người đàn ông ghé lại nhà, sau gần hai tháng trời thì chị ấy cũng làm đám cưới và mọi người mới biết rằng người hay qua lại nhà của chị chính là người chồng tương lai. Có thể mọi chuyện rồi sẽ ổn, nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác rằng chị sẽ không thật sự hạnh phúc, bởi cái tin đồn “làm đĩ” ấy, không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của nhà chồng đối với con người của chị, mà vào thời điểm ấy, nhìn chị trong ngày cưới, sao mà buồn quá.

Đấy là cách đây cả chục năm về trước, khi mà internet vẫn là một cái gì đó rất xa xôi và người ta không có khái niệm thế nào là mạng xã hội hay “phây bút” nó là cái gì, tin đồn đã có sức làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con người ta nhiều đến như vậy. Khi chính bản thân người được nghe những tin đồn không quan tâm đến nguồn gốc của những thông tin ấy và cứ vậy đi kể lại cho những người quen biết hay gián tiếp quen biết với nạn nhân của các tin đồn. Xét về mức độ ảnh hưởng thì dù sao nó vẫn còn có một chút gì đó không quá kinh khủng khi những tin đồn như vậy chỉ nằm trong mạng lưới bạn bè, người quen biết của nạn nhân. Ngày nay, khi mà mạng xã hội xuất hiện, người người nhà nhà lập “phây bút” và chia sẻ mọi thứ mọi lúc mọi nơi, lúc này mọi chuyện dường như phức tạp và nguy hiểm hơn.

Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ tin đồn về sữa có chứa đỉa làm điêu đứng các doanh nghiệp kinh doanh ngành sữa, hay tin đồn về hóa chất độc hại trong mắm ruốt hay bún làm bao hộ kinh doanh gia đình, kinh doanh nhỏ phải chật vật, thông tin về việc dưa hấu có tiêm hóa chất làm nông dân phải trắng tay trước ngày Tết và gần đây nhất là tin đồn về việc hủ tiếu gõ có thịt chuột cống làm không biết bao nhiêu xe hủ tiếu của những người miền Trung nghèo khổ phải lâm vào cảnh điêu đứng, vắng khách. Điểm chung của những tin đồn đó là gì? Đó là sự vô căn cứ đến phi lý nhưng vẫn được chia sẻ với cấp số nhân trong từng tích tắc. Thông tin được đăng tải trên một trang blog hoặc diễn đàn nào đấy, không có nguồn, không có sự kiểm chứng, và rồi nó được đưa liên Facebook, được chia sẻ từ người này đến người khác một cách vô thức, không ai buồn đặt dấu hỏi cho sự phi lý đối với những nguồn tin đó. Người ta cứ mặc nhiên “chia sẻ” mà không để ý rằng những tin đồn đó ảnh hưởng đến việc làm ăn và cuộc sống của người khác như thế nào, đẩy họ vào hoàn cảnh khốn khổ ra sao. Tệ hơn nữa, một khi tin đồn được sáng tỏ, được báo chí chính thống như Tuổi Trẻ khẳng định thông tin hủ tiếu gõ thịt chuột là hoàn toàn vô căn cứ, không ai mảy may có động thái chia sẻ để đính chính lại tin đồn, không ai lan truyền những thông tin được kiểm chứng để minh oan cho những đối tượng họ đã từng “vùi dập” bằng cách “chia sẻ” vô tội vạ.

Có lần bạn tôi nói một câu của Donny Miller mà tôi rất nhớ, “trong thời đại thông tin, ngu dốt là một sự lựa chọn”. Đúng, chúng ta đã chọn lựa sự ngu dốt để không phân tích một cách kỹ càng nguồn cơn của các thông tin được chia sẻ hàng ngày trên Facebook. Chúng ta đã chọn sự ngu dốt để lờ đi những căn cứ rõ ràng là không hợp lý và ấn nút “share” một cách vô ý thức. Và trên tất cả, chúng ta đã chọn “tội ác” khi không nhìn thẳng vào câu chuyện, suy nghĩ và phân tích xem liệu tin đồn đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật, liệu nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những nạn nhân của những tin đồn này, để bấm nút chia sẻ và thỏa mãn cảm giác “mình vừa làm một việc tốt” của bản thân mà không hề biết rằng, mình đang đẩy người khác vào sự khốn cùng. Đó có lẽ là một cái giá đắt phải trả cho thời đại công nghệ thông tin và tự do thông tin này.

Nhưng cũng thật may mắn khi có những cá nhân không chịu ngồi yên, họ sẵn sàng lập thành những nhóm tình nguyện đi đến tận nơi để tìm kiếm nguồn gốc của tin đồn và xác minh nó. Họ kêu gọi bạn bè mình nâng cao ý thức khi chia sẻ bất kỳ một thông tin nào trên Facebook. Những hình động ấy để lại trong tôi một ấn tượng to lớn về khái nhiệm “Share có ý thức”, và đây là những gì mà nhóm anh chị này quan niệm, ngắn gọn, đơn giản và nhân văn.

Chúng tôi không phải là cơ quan chức năng có quyền khẳng định hay kết luận điều gì, chúng tôi chỉ mong muốn góp 1 tiếng nói nhỏ bé: Khi bất kỳ việc gì xảy ra đều cần nhìn nhận cho kỹ từ nhiều góc độ khác nhau trước khi share vì đằng sau mỗi cú click của các bạn là những cuộc đời muôn vẻ mà chắc chắn rằng ta chưa hiểu hết.
Share có ý thức, cho dù quyền đọc là ở mỗi người.

Số lượng người like Page Share Có Ý Thức đang được nâng cao, âu cũng là một tín hiệu đáng mừng. Tôi chỉ hy vọng rằng, vào một lúc nào đó, phần lớn mọi người sẽ hiểu được một điều “thế giới mạng chẳng khác nào một con dao. Dao vào tay người lương thiện thì nó có ích, còn dao vào kẻ bất lương thì trở thành hung khí” (Tuổi Trẻ, ngày 27/10/2013).

Đừng để việc chia sẻ thông tin trở thành con dao đâm vào “nguồn sống” của những con người cơ cực để kiếm từng cắt bạc nuôi dưỡng một ước mơ, hay một gia đình. Chia sẻ KHÔNG có ý thức, thật sự là một tội ác.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.