Rin à, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi

Nếu người miền Bắc gọi bà ngoại là bà, người miền Nam thì gọi thân thương hơn là Ngoại thì người miền Trung, mà cụ thể là người Huế như tôi gọi bà Ngoại là mệ Ngoại. Tiếng “mệ” đối với tôi là những gì thân thương, gần gũi và ấm áp nhất mà tôi nhận được từ người phụ nữ Huế tuyệt vời này.

Grandma in early morning

Tuổi thơ của tôi tràn ngập kỷ niệm gắn với mệ ngoại. Tôi thường được ba mẹ để ở lại nhà ngoại với dì và mệ một vài ngày trong tuần để có thể học tiếng Anh khi tôi bắt đầu vào lớp một. Mệ ngoại sống với dì tôi trong một căn nhà nhỏ, tổng diện tích chưa đầy 40 mét vuông, với một cái gác lửng bằng gỗ. Di tôi ngủ và sinh hoạt trên căn gác gỗ này, mỗi tối dạy tiếng Anh cho tôi trên một cái bàn con tại phòng khách cùng một chiếc cassete màu đen dùng để thu âm giọng đọc của tôi. Mệ nằm trên một chiếc giường sắt khiêm tốn trong góc phòng, thường nhìn ra phía tôi ngồi học mỗi đêm. Đêm nào ở lại nhà ngoại để học, tôi đều ngủ với mệ. Được mệ gãi lưng mỗi khi tôi vòi vĩnh, được sờ “ti” mát lạnh của mệ và vào những đêm hè nóng nực, được nhận cơn gió mát lành từ tay mệ quạt. Tôi không thích học tiếng Anh, nhưng tôi thích được ngủ lại cùng mệ ngoại, thích được ở gần anh chị em họ của mình để được chơi những trò chơi của những đứa trẻ đồng trang lứa. Vào thời điểm đó, nhà tôi ở xa trung tâm thành phố, trong khu xóm gần đường ray ít con nít, nên mỗi lần ở nhà, tôi chỉ có một mình cùng giỏ đồ chơi và chồng truyện Đô-rê-mon để làm bạn. Nói như vậy để có thể hình dung là tôi rất háo hức khi được ở lại nhà ngoại (tất nhiên là trừ khoản học tiếng Anh một tiếng đồng hồ mỗi đêm).

Mệ ngoại, trong ký ức của tôi, và đến bây giờ cũng vậy, luôn là một người dịu dàng. Mệ chưa một lần la mắng tôi cho dù có lúc tôi nghịch như quỷ và không chịu nghe lời mệ. Cho dù có lần tôi mãi chơi, bỏ cơm mệ nấu và bắt mệ ngồi chờ thật lâu. Cho dù có lần tôi dành chỗ nằm của mệ khi bà sang nhà tôi ở lại một vài tháng để chăm sóc mẹ tôi trong lúc đang mang bầu em tôi những tháng đầu tiên. Khỏi phải nói, lần đó tôi chướng cực kỳ và mẹ, dù đang có thai cũng lôi tôi dậy và đánh cho một trận. Ba tôi thấy vậy sợ bà bị động thai cũng vội vã lao vào đánh phụ; đây là lần thứ 2 kể từ khi tôi sinh ra đời ông đánh tôi. Khỏi phải nói là tôi uất ức như thế nào khi bị một lúc cả ba lẫn mẹ đánh đòn. Vậy là mệ ngoại đến bên tôi dỗ dành, cho tôi vào giường, gãi lưng và vỗ về tôi vào giấc ngủ trong khi tôi thì vẫn tiếp tục thút thít vì tủi thân.

Những ký ức về mệ ngoại lúc nào cũng sống động một cách kỳ lạ trong tôi. Tôi luôn nhớ những lần dù mệ không còn đồng nào trong túi cũng cố gắng đi mượn một vài nghìn của hàng xóm để mua bánh lọc cho tôi ăn khi tôi vừa tan học về nhà. Mệ ngồi nhìn tôi ăn, cười móm mém và nhắc tôi đừng cho anh chị em họ biết, hãy cứ coi đấy như một bí mật nho nhỏ của hai bà cháu. Tôi sẽ mãi nhớ mệ đã đứng dậy dằn lấy cây roi từ tay mẹ tôi như thế nào khi tôi bị đánh đòn trong một lần mãi chơi và ngủ quên tại nhà một người bạn, khiến mẹ tôi lúc ấy phải đi tìm tôi trong lo lắng và sợ hãi bởi lúc này vừa tròn 1 năm ba tôi qua đời. Bà vừa đánh tôi vừa khóc trong dận dữ và mệ đã gạt bà ra mặc cho bệnh tăng xong của mình. Tất cả đều cứ như mới ngày hôm qua vậy, tất cả những ký ức ấy, đều khiến tôi cảm thấy ấm lòng đến lạ lùng mỗi khi nhớ về mệ ngoại.

My beloved grand mother

Một điều quan trọng nhất mà mệ ngoại đã dạy tôi, mà mãi về sau này, dù có đi đến đâu, dù có lâm vào hoàn cảnh nào của cuộc sống, tôi sẽ không bao giờ quên và tôi sẽ luôn biết ơn người đàn bà hiền hậu ấy đã cho tôi một hạt giống niềm tin vào cuộc sống. Đây là điều tôi chưa từng kể với mẹ của mình hay bất kỳ ai cho đến tận hôm nay, có lẽ đây là lúc thích hợp để nói về kỷ niệm này. Vào cái ngày người ta đến nhà ngoại để thông báo cho mẹ và tôi biết là ba tôi qua đời; mẹ tôi không được thông báo một cách trực tiếp, mà chỉ được bảo là ba tôi gặp tai nạn và bà cần quay trở về nhàl; chỉ có tôi sau đó biết rằng ba đã không còn trên đời này. Lúc đó, tôi chỉ mới 8 tuổi, không hình dung được mất đi cha của mình là như thế nào, tôi đón nhận tin ấy một cách bình thản. Chân tôi có run đi một chút, tôi cũng hoang mang một chút, nhưng chỉ vậy. Tôi cũng đã khóc rất nhiều khi được tận mắt chứng kiến ba mình nằm đấy, bất động và ngừng thở. Tôi đã từng ôm lấy mẹ với cái bụng tròn và chỉ còn một tháng nữa là em gái tôi ra đời, mà nức lên, mà gào lên. Nhưng chỉ vậy, tôi vẫn chưa thật sự cảm nhận được là ba mình đã qua đời. Thậm chí vào những ngày sau đó, trong đám tang ba, tôi vẫn ham vui đòi theo anh chị họ của mình đến quầy chơi điện tử, phụng phịu với mẹ vì đã không cho phép mình đi chơi. Tôi thật sự đã không hiểu vì sao mình không được phép đi cùng anh chị mình. Tôi còn háo hức vì được mặc bộ đồ tang trắng xóa, đầu đeo gai và chống gậy trên quãng đường đưa ba về nghĩa trang. Tôi đã không hiểu được điều gì cả, đối với tôi lúc ấy, mọi chuyện cứ như một lễ hội mà ba tôi là nhân vật trung tâm, được nằm nghỉ ngơi trong yên bình, trong khi mọi người tụ họp lại, tỏ lòng yêu mến và thương khóc ông vì những việc tốt và bởi sự nhân từ của ông. Tôi thấy tự hào vì ba của mình được rất nhiều yêu quý. Tôi thấy vui vì xung quanh mình có quá nhiều người, điều mà trước đây tôi ít khi thấy trong nhà của mình. Thật sự mà nói, có lẽ lúc đó tôi đã không thật sự có bất cứ ý niệm gì về cái chết của cha mình. Mãi sau đó, trong khoảng thời gian mẹ tôi sinh em gái tôi, bà vào bệnh viện và mọi người phải hối hả chăm sóc cho bà. Tôi được giao cho mệ ngoại trông nom, và chính lúc này, khi không có ai ở bên, khi chỉ còn lại một mình và mỗi ngày ngồi chờ ba mẹ đến đón, tôi mới bắt đầu nhận ra có gì đó thiếu vắng trong cuộc đời mình. Tôi quanh quẩn một mình trong căn nhà của mệ ngoại, giật mình thon thót khi nghe tiếng bước chân, giọng cười của ai đó mà tôi cứ ngỡ là ba đến đón mình, nhưng rốt cuộc, không có ai cả. Tôi cứ ngồi đấy, cạnh chiếc bàn tôi vẫn thường học tiếng Anh và chờ đợi. Cho đến khi đèn nê on bật sáng, trời đã nhá nhem tối ngoài kia, cơm tối đã dọn lên, tôi mới biết rằng sẽ chẳng có ai đón mình nữa cả. Tôi hôm ấy, trong khi ngủ với mệ ngoại, trong gian nhà tối như mực, mặt quay vào tường tôi đã thút thít khóc. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được sự mất mát của mình, tôi cảm nhận được cái chết của ba. Tôi cuộn tròn người lại như muốn tan biến khỏi cuộc sống này, đó chính xác là cảm nhận của tôi lúc đấy, đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy buồn một cách kỳ lạ. Chính lúc ấy, mệ ngoại quay sang, vuốt ve bờ lưng của tôi, quạt cho tôi và khẽ nói với tôi rằng: “Đừng khóc, Rin à! Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi cọn ạ. Sẽ ổn thôi.” Bằng tình cảm yêu thương mà tôi có thể cảm nhận được, mệ ngoại đã vỗ về và cho tôi một hạt giống của niềm tin. Tôi đã không òa lên khóc như trước, tôi biết rằng mệ nói đúng, mọi chuyện rồi sẽ ổn bởi bên cạnh tôi vẫn có ngoại, vẫn có những người yêu thương tôi. Mãi về sau, khi gặp chuyện không vui hay khó khăn trong cuộc sống, tôi đều nằm xuống, quay mặt vào tường để ngủ và tưởng tượng rằng mệ ngoại đang nằm cạnh và an ủi tôi, cho tôi sức mạnh để tin vào những điều tốt đẹp của ngày mai.

Hôm nay là ngày mệ ngoại thương yêu của tôi tròn 90 tuổi. Bà đã sống một đời người với đầy đủ những trải nghiệm về cuộc sống. Đối với tôi, mệ ngoại là biểu tượng của tình yêu thương, sự dịu dàng và niềm tin vào cuộc sống ngày mai, là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà tôi có và tôi biết ơn bà sâu sắc vì những điều diệu kỳ bà mang đến cho tôi. Tôi đã không có mặt để có thể mừng thọ người mà tôi yêu quý, tôi chỉ còn cách thể hiện tình yêu của mình bằng cách tôi giỏi nhất, viết. Trong sâu thẳm trái tim mình, tôi cầu mong mệ ngoại sẽ sống mãi, sẽ khỏe mạnh và mãi như ngày hôm qua dẫu đó là điều ước phi lý nhất cuộc đời này. Nhưng biêt sao được, khi người ta yêu thương ai đó, mọi lý lẽ dường như tan biến.

Mãi khỏe mạnh và luôn ở cạnh con nhé, mệ của con.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.