Một ngày bình thường và đêm đầy sao

*Tôi không viết post này, từng câu chữ đều được copy từ blog của nhà văn Đoàn Minh Phượng. Có thể đọc bản gốc tại đây. Tôi copy lại post này bởi từng chữ trong bài viết như nói đúng những gì tôi suy nghĩ và cảm giác của tôi vào một buổi sớm mùa đông tại Hà Nội. Cảm xúc mãnh liệt đến mức khiến tôi phải copy ngay lập tức, đánh dấu vào góc nhỏ này của mình để sau này có thể đọc lại một lần nữa.

Tôi xem tranh của anh hoạ sĩ tự cắt tai không phải vì cái đẹp, không phải vì nghệ thuật làm cho con người ta cao cả, mà vì buồn. Chỉ vậy thôi. Vì anh ấy buồn hoặc vì tôi buồn. Lúc không còn biết mình ra sao tôi phải đi theo mãi vòng xoáy trong một chiều không gian không có thật của ánh sáng. Để tìm thấy gì đó trong một tần số rung nhất định nào đó, dù không gian của nó  thật hay không thật. Tôi cần một thứ gì đó to lớn hơn nỗi buồn.

Thấy gì?

Thời của tôi khác với thời của anh ấy. Niềm cô đơn của chúng ta đã khác rồi, không còn so sánh được. Chúng ta cô đơn trong không gian, và bây giờ trong cả thời gian. Cô đơn có nghĩa là bị cắt lìa khỏi mọi thứ.

Buổi chiều đó tôi đi vào rừng với bạn. Không biết sao chúng tôi lại ghé vào cái quán đó. Nó nằm ở ven đường, nếu đi vào sâu, phía sau quán chúng tôi sẽ nhìn xuống một thung lũng rộng và mơ màng, mặt trời sẽ xuống, mây sẽ tím và vạn vật mờ tối đi, đắm trong một sự thanh bình mênh mông nhất.

Nhưng để ra được phía sau, chúng tôi phải băng qua phía trước. Không biết sao trong khoảnh sân nhỏ của quán người ta lại cột độ mươi con chó vào những gốc cột, bằng những sợi giây rất ngắn. Không biết chúng chờ để bị giết thịt hay là người ta nuôi chó như vậy, cổ bị siết bằng sợi dây cột dài bằng thân hình của chúng. Chúng hoang mang, khốn đốn, những cặp mắt vừa ai oán vừa chịu đựng lạ lùng. Có một con bị nhốt trong một cái lồng sắt nhỏ và thấp khiến cho nó không đứng lên được, nhưng nó cũng không đủ chỗ để nằm. Chỉ vậy thôi. Có lý do nào không?

Người trong quán có người lớn, đôi ba người trẻ vừa qua tuổi dậy thì, và trẻ con. Người ta ra vào, đi ngang những con chó và không thấy ánh mắt của chúng. Không có sự khốn đốn nào ở đó được nhìn thấy.

Hôm đó là một ngày bình thường ở một nơi xa nào đó, không có tên.

Một ngày thứ tư tôi đi xe buýt từ trung tâm Sài gòn về một quận ngoài ngoại thành. Gần tới nơi, xe rẽ từ đường lớn vào một con đường nhỏ được một đoạn thì ngừng lại vì tắc đường, tắc hẳn. Phía bên chạy ngược chiều vừa có tai nạn, hai chiếc xe máy và một chiếc xe tải nhỏ đụng vào nhau. Trên mặt đường, có hai người bị thương nằm đó. Tài xế lái chiếc xe buýt tôi đi, vì từ ghế ngồi cao nhìn xuống nên thấy rõ chuyện gì đã xảy ra, ông nói: Đụ mẹ, con người ta máu từ đầu chảy ra, sao không chở đi cấp cứu? Một lúc sau ông nói lại cũng đúng câu đó. Tôi không nhìn. Anh bán vé nói hai chiếc xe máy đụng nhau ngã xuống giữa đường, phải để yên đó chờ người tới đo vẽ lập biên bản, không ai được động vào, không ai được dời đi. Vì vậy mà tắc đường. Tắc cứng hết rồi, không có xe cứu thương nào vào được đây. Tài xế lại nói lần thứ ba câu đã nói rồi, không đổi chữ nào.

Tất cả mọi người khác kể cả tôi không nhìn thấy gì hết, họ chỉ mong xe đi được tiếp để họ ra khỏi nơi đây.

Hôm đó cũng vậy, cũng là một ngày bình thường, ở thành phố.

Nếu một ngày bình thường làm cho bạn khóc thì cuộc đời thật buồn. Còn nếu bạn không khóc thì cuộc đời buồn hơn. Cô đơn thật sự là khi người ta bị cắt lìa khỏi suy nghĩ và cảm xúc của chính mình.

(Copy từ: Đoàn Minh Phượng)

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.