[Review] Nước Mỹ, Nước Mỹ

Phải mất tám năm sau ngày cuốn sách ra mắt, tôi mới đọc Nước Mỹ, Nước Mỹ của Phan Việt. Trong lần in lại này, tập truyện được bổ sung thêm hai truyện ngắn ở gần cuối, với không gian tại Hà Nội.

Có khá nhiều lý do cho việc vì sao tôi không đọc cuốn sách này sớm hơn. Thứ nhất tôi không thích tiêu đề của nó. Thứ hai tôi không thích tiêu đề của một cuốn sách khác cùng tác giả – Một mình ở Châu Âu và cuối cùng, tôi không có hứng thú với những tác phẩm văn học của nhà văn nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện đại, trừ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư và tản văn của Phan Thị Vàng Anh. Nhưng việc đọc sách cũng có những cái gọi là duyên, sau nhiều lần nhìn thấy Nước Mỹ, Nước Mỹ trên kệ sách của Phương Nam, Fahasa và bỏ qua không thương tiếc. Sau nhiều quảng cáo và danh sách Top tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại từ Tiki hay Vinabook, và cũng bị bỏ qua không thương tiếc; trong một ngày làm việc của tháng 06, khi tìm mua cho mình một vài cuốn sách trên Tiki, tôi tặc lưỡi bỏ Nước Mỹ, Nước Mỹ vào giỏ hàng vì không còn biết phải mua gì. Và may mắn thay, lựa chọn này không làm tôi thất vọng.

Thật ra, không có gì nhiều để nói về cuốn sách này bởi cái làm cho nó đặc biệt lôi cuốn chính là cảm giác. Cảm giác về sự cô độc của những con người xa xứ, sống giữa một xã hội khác, dân tộc khác với nền văn hóa khác. Ở đấy sự cô độc len lỏi vào tâm hồn của các nhân vật và không ngừng động đậy để tạo nên những gợn sóng âm ĩ của sự bất an. Họ cô độc trong chính căn nhà của mình, cô độc ngay cạnh người mình lấy làm chồng/vợ và họ cô độc ngay cả trong suy nghĩ của chính họ. Để rồi ở đâu đấy trong cuộc sống, có những vết cắt của khoảnh khắc, như những cơn sóng thần đổ ập xuống, cuốn phăng họ ra khỏi chính bản thân và thay đổi tất cả.

Một điều tôi thích nữa ở cuốn sách này là cách miêu tả mang màu sắc điện ảnh. Những truyện ngắn như Nghiên cứu sinh, Những ngày ở Việt Nam hay Một chốn gọi là nhà có thể được xây dựng thành những bộ phim ngắn xuất sắc. Tôi thích nhất đoạn miêu tả bữa ăn với đầy đủ các thành viên trong một thế hệ ở một gia đình Hà Nội với những mâu thuẫn dưới bề mặt của sự im lặng, nó làm tôi gợi nhớ đến phong cách làm phim tâm lý của điện ảnh Mỹ một cách rõ nét.

Nếu có thể mô tả ngắn gọn về tinh thần của Nước Mỹ, Nước Mỹ, tôi sẽ dùng một suy nghĩ của chính nhân vật trong truyện ngắn Ithaca,

Cái khoảnh khắc đó là một sự đứt gãy khổng lồ và tự thân nó không đứng vào đâu trong cuộc sống của anh. Anh thậm chí cũng không thuộc về nó.

Tất cả chỉ là những khoảnh khắc, có lẽ vậy.

PS: Nhân tiện Tiki đang sale off cuốn này 20%.

Photo credit: Zing News.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.