Thế giới thì mở mà sao lòng người cứ HẸP

Mấy tuần qua cái suy nghĩ này cứ miên man mãi trong đầu mình. Mình khó chịu bởi trước sự phát triện của công nghệ, toàn cầu hoá và rất nhiều thứ hay ho trong cuộc sống nhưng lại không thể khiến lòng người rộng rãi hơn.

Từ chuyện đề xuất của một nữa công trình nghiên cứu hoàn toàn mang tính CÁ NHÂN của một bác tiến sỹ đã ở tuổi 83 về tiếng Việt, tự bác thực hiện trong rất nhiều năm, để phục vụ cho mục đích riêng của bác, phục vụ cho góc nhìn riêng của bác về CÁCH THỂ HIỆN của chữ Quốc Ngữ. Tính ứng dụng chưa nên bàn đến ở đây bởi nghiên cứu này chưa phải là một đề xuất cấp quốc gia hay thậm chí là của một thành phố. Vì một bài báo với không tin không rõ ràng, câu từ mơ hồ dẫn đến việc cả một cộng đồng trên mạng xã hội thi nhau nhục mạ bác. Nhục mạ những suy nghĩ khác biệt và nhục mạ một công trình nghiên cứu nhiều tâm huyết, dẫu những cá nhân đấy không đưa ra được một lý do nào thật sự khoa học và thuyết phục để phản bác lại cái nghiên cứu kia. Tất cả chỉ là sự hô hào về việc bảo vệ cái gọi là “sự trong sáng của Tiếng Việt”, một cái vốn dĩ, là thứ mà chúng ta đi vay mượn. Nghiên cứu sâu hơn sẽ thấy tiếng Việt có cách thể hiện yếu, phức tạp và không nhất quán. Nên với dòng chảy của sự phát triển thì vài trăm năm nữa, ai biết được ngôn ngữ và chữ viết của chúng ta sẽ phát triển đến thế nào? Tại sao không mở lòng đón nhận những ý kiến khác biệt, coi nó là cái để mình có thể nghiên cứu, tìm tòi và phản biện, biết đâu từ đấy ta lại yêu hơn Tiếng Việt của mình? Chúng ta có thể không đồng ý với một ý kiến, suy nghĩ nào đấy nhưng điều đấy không cho phép sự nhục mạ (thậm chí có người còn đi xa đến mức làm cả một tờ cáo phó bằng cách thể hiện mà bác Hiền đề xuất) những con người đáng trân trọng vì đã dành tâm huyết thật sự để theo đuổi điều mà họ cho là cần nghiên cứu và phát triển. Bất đồng quan điểm không có nghĩa là quan điểm của người khác sai, chỉ cần nhìn nhận nó theo hướng tích cực và cởi mở hơn, ta sẽ tìm thấy được rất nhiều thứ để học hỏi từ đấy.

Đến chuyện một cô “nhà văn” đi rất nhiều nơi, bỏ nhiều thời gian đi khắp các thành phố ở Mỹ, rồi về cho ra đời một cuốn sách du ký mà có lần mình khen ngợi về cảm xúc chân thật, lại có thể đem một cá nhân làm việc tại một hãng hàng không giá rẻ lên mạng xã hội để làm mục tiêu “tấn công” – dưới cái danh nghĩa nhân viên của hãng đã “xúc phạm” nhà báo và Blogger. Qua đấy mới thấy đi nhiều chưa chắc đã mở lòng bao nhiêu. Từ việc bất đồng quan điểm giữa cá nhân với cá nhân, cô “nhà văn” sẵn sàng chụp mũ, đánh tráo khái niệm về ngữ cảnh trong các câu nói của chị nhân viên kia, chỉ để nhằm thoả mãn cái tôi và ý kiến của mình trước một vấn đề về du lịch. Tệ hơn nữa, cô sẵn sàng lôi cả cái thương hiệu vừa tài trợ cho chuyến đi của cô đến Philipin vào cuộc cãi vã giữa cá nhân với cá nhân, nhằm mục đích gây áp lực lên chị nhân viên kia và hãng hàng không. Quả thật đây không khác gì bạo hành trên mạng xã hội ở cấp độ cao nhất, khi không khó gì có thể thấy được Facebook của chị nhân viên kia “vô tình” bị đưa ra ở phần bình luận. Để rồi sau khi phải làm việc với đại diện chính thức của hãng hàng không kia, cái post “bạo hành” kia đã được gỡ xuống. Đâu rồi những trải nghiệm du lịch, trải nghiệm về tình người và sự thấu hiểu nhau giữa con người với con người mà cô đã từng viết trong cuốn sách của cô. Bởi vậy mới nói, viết được, chưa chắc đã làm được.

Rồi đến chuyện các bạn ca sỹ, nhạc sỹ không ngừng bỉ bai một cô người đẹp đi hát bởi họ không chịu mở lòng ra để hiểu rằng, nghệ thuật là tự do. Ai cũng có quyền được tham gia, được sáng tạo và được làm nghệ thuật.

Ngẫm lại, mình cũng có những lúc vội vã đánh giá và phán xét người khác, nhưng mình đang cố gắng từng ngày để nghĩ hơn nhiều hơn về cảm xúc của người khác. Thế giới đang ngày càng mở, chỉ còn đợi tấm lòng của chúng ta rộng mở hơn mà thôi.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.