Bình minh của những bình minh

Khi còn ở căn hộ cũ khu Nhà Bè, trên tầng 19, mỗi sáng mở mắt dậy, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là bình minh đỏ hồng với ánh sáng mặt trời đang ló dạng. Xuyên qua mặt sông dài, xuyên qua những căn nhà, đường phố, ở phía chân trời là thứ ánh sáng tinh khôi của mỗi buổi sáng tinh khôi, là sự khởi đầu của một ngày. Giữa cơn ngái ngủ, tôi lặng lẽ nhìn lên bầu trời, vẫn còn đâu đấy màu đen nhạt của màn đêm, thỉnh thoảng nếu may mắn, mọi thứ sẽ thật yên tĩnh, đến mức có thể nghe thấy tiếng hơi thở của mình. Thỉnh thoảng, trong không gian yên bình kia là tiếng ghe nổ máy vang vọng cả một mặt sông. Khoảng thời gian đấy, tôi thường bắt đầu một ngày của mình như vậy. Đôi khi, đấy là thời điểm duy nhất trong ngày tôi cảm thấy yên bình. Cũng có đôi lúc, tôi thức trắng đêm, có thể là vì công việc, có thể là vì những đêm mất ngủ, và như vậy, tôi cứ ngồi chờ trong lặng lẽ của đêm tối và đếm từng phút trôi qua, để cuối cùng được nhìn thấy những tia sáng đầu tiên xuất hiện trên nền trời tối đen. Thi thoảng, tôi chỉ có thể ngủ được khi nhìn thấy những tia sáng đầu tiên ấy. Nhìn thấy mặt trời đang lên, sự yên bình có thể cũng bắt đầu kéo đến và lúc đấy, tôi cảm thấy mình dường như được chở che.

Khi còn trong những năm đầu 20, bóng đêm là người bạn thường trực của tôi. Tôi chờ đêm xuống, để tìm cho mình sự im lặng trải dài đến vô tận trong những phút giây cả thế giới ngoài kia đang chìm vào giấc ngủ. Đôi khi tôi trò chuyện với chính mình, nhìn sâu vào tận trong những suy nghĩ của mình. Đôi khi chỉ ngồi đấy, im lặng bầu bạn với bóng đêm. Trong những năm tháng ấy, tôi thường nghĩ rằng con người chúng ta, về cơ bản là loài động vật cô đơn. Sự gắn kết cộng đồng, cái ý chí đám đông khiến chúng ta nghĩ rằng mình thuộc về một nơi chốn, một hội nhóm nào đấy, đa phần là những ảo ảnh. Chính những ảo ảnh như vậy khiến ta không ngừng nỗ lực để thật sự thuộc về một nơi nào đấy, là một phần của một cái gì đấy, dẫu nó khiến chúng ta thay đổi bản thân nhiều như thế nào, có thể theo chiều hướng tốt hoặc xấu hơn. Thế nhưng khi đối diện với những suy nghĩ của chính mình, đối diện với bản thân trong nhưng giờ phút tĩnh lặng của bóng đêm, đấy có khi là thời điểm chúng ta nhận ra sự cô đơn của mình. Điều này tốt hay xấu? Sự cô đơn thường trực của con người, khi ta nhận ra nó? Không có một câu trả lời nào cho tất cả mọi người, mỗi người sẽ phải có cho riêng mình một đáp án, bởi chỉ duy nhất mỗi người, mới có thể đối mặt với sự cô đơn của chính mình.

Đến tận bây giờ, khi tôi chỉ muốn ngồi ở những nơi có thật nhiều ánh sáng. Khi chỉ có bình minh mới mang đến cho tôi cảm giác dễ chịu và thanh bình, thì tôi vẫn tin bài học mà bóng đêm đã dạy mình ở những năm tháng đầu tiên của tuổi trẻ. Tôi vẫn sống chung với sự cô đơn của mình. Có đôi lúc, nằm cạnh người mình thương, lắng nghe nhịp thở của họ, nhìn họ ngủ trong sự yên bình của nhưng tia nắng đầu tiên của ngày mới, tôi vẫn thấy mình cô đơn. Thi thoảng, tôi thấy tâm trạng mình y hệt bài hát Hyperballad của B’Jork. Mỗi buổi sáng, tôi vất bỏ đi một chút gì đấy của riêng mình, chìm đắm trong sự tĩnh lặng để cảm thấy mình vẫn đủ sức trở thành một phần của ai đấy, một cộng đồng nào đấy hoặc một cái gì đấy trong một ngày dài. Tôi quen với điều này đến mức, sau một cuộc chia tay, tôi sẽ lặng lẽ ngồi đối diện với cánh cửa sổ nhìn ra bầu trời rộng lớn, chờ từng phút một cho bình mình ló diện ở cuối chân trời, và tôi biết, ngay lúc này, tôi vẫn còn bản thân mình. Chỉ cần ngay lúc này thôi, chỉ cần được nhìn thấy bình minh, một bình minh trong rất nhiều những bình minh đã qua và sẽ đến, là tôi biết mọi thứ sẽ quay trở lại quỹ đạo của nó.

Bởi, sau tất cả cả, chúng ta đều là những con người rong chơi trên mảnh đất này với sự cô đơn của chính mình cho đến cuối cuộc đời. Miễn sao, bình minh vẫn đến và chúng ta sẽ tìm thấy bình yên của chính mình.

PS: Dành cho ai muốn nghe ca khúc Hyperballad của B’Jork

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.