Chúng ta nói gì khi chúng ta nói về chuyện đọc

Tuần vừa qua tôi đọc được một bài phát biểu khá hay của Neil Gaiman trên tờ The Guardian về tầm quan trọng của việc đọc sách, thư viện và trí tưởng tượng trong thời đại hiện nay (xem bản tiếng Anh tại đây, hoặc bản tiếng Việt do Nhã Nam dịch tại đâyđây).

Một vài thông tin về Neil Gaiman dành cho các bạn chưa biết ông là ai:

  • Là tác gia người Anh chuyên viết các tác phẩm văn học hư cấu với hình thức đa dạng từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến truyện tranh. Đối tượng đọc giả chính của ông là thiếu nhi và thiếu niên.
  • Neil Gaiman khác với các tác giả khác cùng thể loại (có xu hướng không thích tác phẩm của mình dựng thành phim) khi ông tích cực tham gia vào việc chuyển thể các tác phẩm của mình thành phim và kịch, nổi tiếng nhất có thể kể đến hai bộ phim StardustCoraline.
  • Với tác phẩm Câu chuyện nghĩa địa (The Graveyard Book), ông trở thành tác giả đầu tiên đạt được giải thưởng Huân chương Newberry* và Huân chương Carnegie** cùng một lúc (2008).
  • Quan trọng hơn hết, đối với tôi Neil Gaiman là một người cực kỳ thú vị và tuyệt vời :’)

Quay lại bài phát biểu của Neil Gaiman, ông tập trung nhấn mạnh vào việc khuyến khích việc đọc ở mỗi cá nhân, đặc biệt là ở các em nhỏ cũng như sai lầm của người lớn khi cố tình bắt ép các em phải đọc một thể loại nào đấy. Ông cho rằng chính sự đọc là cái nôi nuôi dưỡng trí tưởng tượng từ đấy thúc đẩy sự phát triển của khoa học và xã hội, mang đến sự cảm thông giữa người với người. Gaiman đề cao giá trị của thư viện – nơi mọi người đều có quyền bình đẳng được đọc, được khám phá và bảo tồn tri thức. Ông lên án việc cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa thư viện và bày tỏ quan ngại đối với việc không coi trọng thư viện, lên án hành động này đã “bịt giọng nói từ quá khứ và hủy hoại tương lai”.

Đây quả thật là một bài phát biểu truyền cảm hứng đến tôi, nó khiến tôi suy nghĩ về việc đọc của chính mình nói riêng và việc đọc ở Việt Nam nói chung. Như chúng ta đều biết, hoặc một phần lớn chúng ta đều biết, văn hóa đọc của Việt Nam trong những năm gần đây không tiến lên được bao nhiêu. Báo chí và giới truyền thông đã nói đi nói lại về vấn đề này. Một số các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã cố gắng tham gia vào quá trình thúc đẩy văn hóa đọc của thanh niên trẻ như dự án 100 Triệu Cuốn Sách – Tủ Sách Đổi Đời của cà phê Trung Nguyên (cách làm hơi phản cảm nhưng ý định thì tuyệt vời), hay dự án Thư Viện Thông Minh của Samsung Việt Nam. Đây là những tín hiệu tích cực từ hoạt động quan tâm đến cộng đồng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một thực tế tôi thấy rất hài hước từ quan sát cá nhân, là dẫu chúng ta cứ nói suốt ngày về văn hóa đọc không phát triển nhưng rất nhiều người lại có xu hướng đánh giá người khác qua những thể loại văn học mà họ đọc. Có một số người sẵn sàng cười chê sách của bạn bè đọc vì theo họ đó là thể loại văn học ‘nhảm nhí’. Họ lo ngại khi trong top 50 sách bán chạy của Tiki hay Vinabook là những tác phẩm ‘không sâu sắc’, không có lợi ích gì cho tâm hồn người đọc từ những tên tuổi của các nhà văn mới nổi nhưng lại có rất nhiều người hâm mộ như Iris Cao, Anh Khang v…v…. Cá nhân tôi ở thời điểm đầu tiên, tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Tuy nhiên, càng về sau tôi càng hiểu rằng việc đọc sách là một sở thích và mỗi người có quyền lựa chọn thể loại sách mà họ muốn thưởng thức. Việc đó không nói lên con người họ như thế nào hay khả năng của họ ra sao. Chúng ta có hơn 1 triệu cách khác nhau để mà yêu thích những cuốn sách khác nhau. Yêu cầu một người khác yêu mến một cuốn sách như ta hâm mộ thật sự là hết sức ngớ ngẩn và vô ích. Quan trọng nhất cho việc phát triển văn hóa đọc là chúng ta có điều kiện, thời gian để đọc sách, để nghiền ngẫm và tìm được niềm vui, sự thông cảm và như Neil Gaiman đã nói, nuôi dưỡng sự mê hoặc dẫn đến việc đọc. Chính động lực muốn biết được việc gì xảy ra tiếp theo, ham muốn lật trang, thôi thúc tiếp tục đọc kể cả khi khó khăn, bởi vì ai đó đang gặp rắc rối và chúng ta cần phải biết cuối cùng tất cả sẽ kết thúc ra sao… đó là một động lực rất thật. Nó thúc ép chúng ta tìm hiểu nghĩa của những từ mới, nghĩ những suy nghĩ mới, cứ tiếp tục như vậy. Để khám phá ra rằng đọc là một việc rất sung sướng. Một khi chúng ta đã biết được điều đó, chúng ta sẽ bắt đầu đọc mọi thứ. Và đây chính là chìa khóa giúp nâng cao văn hóa đọc đang còn nghèo nàn của chúng ta. Tôi tin là vậy.

Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội sôi sục vụ việc một em nữ sinh bị đánh hội đồng tại một trường trung học cơ sở một cách dã man bởi bạn học của mình. Việc này thì có liên quan gì đến chuyện đọc? Theo như bài phát biểu của Neil Gaiman về thông tin xây dựng nhà tù biệt giam đang phát triển ở New York, làm thế nào để biết số lượng tù nhân trong 10 năm đến để xây dựng phòng giam, cách dự đoán đến từ việc dựa trên số liệu trẻ em trong độ tuổi từ 10 – 11 không biết đọc, và chắc chắn không thể đọc vì sở thích. Tất nhiên nói như vậy một xã hội biết đọc không có nghĩa là không có tội phạm. Điều này phần nào đấy chỉ ra sự liên quan mật thiết giữa tỷ lệ tội phạm và việc đọc. Khi nhu cầu đọc, văn hóa đọc không được nuôi dưỡng và duy trì, tỷ lệ phạm tội sẽ rất dễ gia tăng. Ngoài ra, duy trì việc đọc không chỉ đơn giản là dừng lại ở những tác phẩm phiến diện một chiều, sặc mùi tuyên truyền như chúng ta đang thấy***. Trẻ em cần được tiếp cận những tác phẩm văn hóa có tính nhân văn, tiếp cận với những đầu sách đa dạng, khơi gợi cho các em những cách nhìn thế giới đa chiều hơn, nhân ái hơn. Trẻ em có những cách nhìn nhận thế giới thật sự khác với cách mà người lớn nhìn nhận. Chúng ta cần cho các em cơ hội được đọc, được suy nghĩ những điều khác nhau để thấy được thế giời này thật sự đẹp và thế giới này là thật. Để làm được điều này, ngoài việc “mang đến một nền văn hóa tư nhân lành mạnh, yêu lao động và lương thiện” hay văn hóa ngoại nhập mang tính chọn lọc là điều cần thiết. Bên cạnh đấy việc xây dựng hệ thống thư viện công lẫn tư cần được đẩy mạnh hơn nữa. Đọc đến đây chắc hẳn ai cũng ồ lên “biết rồi, khổ lắm nói mãi!”. Vâng, đây quả là một điều phải cứ nhai đi nhai lại bởi hệ thống thư viện của chúng ta thật sự là yếu kém. Chưa kể các em nhỏ, đến cả sinh viên, công chức hay người già thật khó mà tiếp cận được với hệ thống thư viện này ngoài giờ hành chính. Qua hàng loạt các thủ tục phức tạp chưa chắc chúng ta đã tiếp cận được nguồn tri thức hay cuốn sách mà chúng ta muốn đọc. Đến cả những ai sinh sống ở thành thị cũng gặp phải vấn đề khó khăn này chứ đừng nói đến phần lớn dân số đang sinh sống tại nông thôn, cơ hội tiếp cận đến sách vở của người dân ở đây gần như là ít ỏi.

Với chừng ấy khó khăn, nhưng có một điều đáng mừng là các doanh nghiệp tư nhân chưa bao giờ bỏ rơi người đọc tại Việt Nam. Trong điều kiện có thể, các doanh nghiệp không ngừng cung cấp những dịch vụ giúp người đọc có thể tiếp cận với các đầu sách đa dạng một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Tại thành phố, khi công nghệ thông tin ngày một phát triển với việc người dân đã quen thuộc trong việc sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để kết nổi internet, mua hàng trực tuyến, việc đọc sách cũng đã có những thay đổi đáng kể.

Các ấn bản điện tử của sách được các công ty tư nhân đẩy mạnh phát triển. Họ nỗ lực xây dựng các nền tảng công nghệ giúp người đọc mua sách điện tử trực tuyến nhanh chóng hơn, trải nghiệm việc đọc sách điện tử thú vị và tiện lợn hơn rất nhiều. Sách điện tử đang trở thành công cụ mới để người đọc tiếp cận tri thức, duy trì thói quen đọc sách của mình một cách dễ dàng hơn.

Có thể kể đến một vài nhà phát hành sách điện tử với các nền tảng công nghệ riêng của họ cung cấp cho người dùng như Tiki vừa ra mắt ứng dụng Miki, NXB Trẻ với YBook, Phương Nam với KOMO và ông lớn Alezaa của thị phần sách trực tuyến.

Ybook của NXB Trẻ

Giao diện tủ sách của ứng dụng YBook trên máy tính bảng
Giao diện tủ sách của ứng dụng YBook trên máy tính bảng

Là ứng dụng phát hành sách điện tử của NXB Trẻ được ra mắt cuối năm 2013. Ưu điểm của Ybook là cập nhật nhanh chóng các đầu sách in mới phát hành của NXB Trẻ, như tác phẩm Đong tấm lòng của Nguyễn Ngọc Tư vừa phát hành bản in thì một tuần sau đã có bản điển tử trên kho sách trực tuyến của YBook. Giao diện đơn giản, dễ sử dụng.

Kho sách của Ybook
Kho sách của Ybook

Có một nhược điểm lớn là kho sách không phân loại theo tác phẩm rất khó cho người mua tìm kiếm. Việc thanh toán hiện phải nạp tiền qua thẻ cào điện thoại hoặc qua thẻ thanh toán ngân hàng (nội địa/credit) trên website của Ybook trước rồi mới có thể dùng số tiền đã nạp để mua sách trực tiếp trong ứng dụng.

MiKi của TiKi

Giao diện kho sách của ựng dụng MiKi
Giao diện kho sách của ứng dụng MiKi

Tham gia vào thị trường sách trực tuyến từ cuối năm 2014 vừa qua. MiKi hiện đang đi từng bước thử nghiệm của mình với thị trường tiềm năng này. Ưu điểm của MiKi là sách của Nhã Nam nhiều, thiết kế đồ họa bắt mắt. Ngoài ra ứng dụng còn cho phép người dùng giới thiệu ứng dụng đến bạn bè, thông qua một mã code để có thể nhận sách miễn phí như phần thưởng. Nhược điểm là giá sách cao. Hình thức thanh toán có tiện lợi hơn YBook ở chỗ là cho phép mua sách trực tiếp trong ứng dụng bằng cách nạp mã số thẻ cào điện thoại.

KOMO của Phương Nam

Ứng dụng đọc sách KOMO
Ứng dụng đọc sách KOMO

Phương Nam cũng chỉ vừa tham gia bán sách điện tử trong 06 tháng cuối năm 2014. Tương tự như YBook, sách do Phương Nam phát hành sẽ xuất hiện trên kho sách trực tuyến của trang chủ của KOMO. Một điểm trừ cực lớn là ứng dụng KOMO do Phương Nam phát hành chỉ có tác dụng đồ bộ sách từ kho sách trực tuyến người dùng đã mua ở trang web KOMO. Ứng dụng không có chức năng mua sách trực tiếp.

Alezaa phiên bản mới

Photo 14 13 59 15-03-2015
Kho sách Alezaa phiên bản mới

Với những người yêu thích đọc sách điện tử thì Alezaa không phải là cái tên xa lạ. Đây cũng là đơn vị tiên phong trong việc phát hành sách điện tử, bước đầu xây dựng thói quen đọc sách điện tử của thanh niên Việt Nam.

Gần đây Alezaa đang chuẩn bị ra mắt một phiên bản mới với các đầu sách đa dạng, cập nhật nhanh chóng các tác phẩm mới. Cùng với việc kết hợp với Greenlance – một dịch vụ đọc tạp điện tử trực tuyến trước đây, Alezaa Premium đã mang đến một hình thức subscribe tiện lợi, chi phí thấp cho người đọc. Chỉ với ~98,000 trong 03 tháng là người đọc có thể đọc được tất cả các đầu sách tại Alezaa miễn phí, đây cũng là một hình thức tương tự như việc sử dụng thư viện. Có thể coi Alezaa Premium là một thư việc trực tuyến mà ai cũng có thể tiếp cận để mượn sách và đọc sách dễ dàng với một chi phí thấp (trung bình 1,000 đ/ ngày). Nếu không subscribe thì chi phí mua sách điện tử và tạp chí ở đây khá dễ chịu. Ứng dụng đang trong quá trình cập nhật cho bản hoàn chỉnh nên việc thanh toán cũng có phần khó khăn hơn trước. Truy cập địa chỉ sau đây trên thiết bị di dộng để tải ứng dụng Alezaa phiên bản mới.

Có thể thấy, việc nâng cao văn hóa đọc, duy trì thói quen đọc là một điều cần thiết mà mỗi cá nhân chúng ta cần có trách nhiệm thực hiện bởi điều đó mang đến sự cảm thông và tính nhân văn cho xã hội vốn đã phức tạp này. Có biết bao nhiêu doanh nghiệp và cá nhân ngoài kia đang nỗ lực hết mình để mang đến cho càng nhiều người cơ hội được được đọc sách càng tốt, có bao người đã dành trọng tâm sức để mang sách về nông thôn, để phổ cập tri thức và thói quen đọc sách cho đông đảo người dân. Vậy nhiệm vụ của chúng ta, những thanh niên thành thị chỉ còn đơn giản hơn rất nhiều, cầm một cuốn sách lên, không quan trọng sách gì, không phán xét, tận hưởng và duy trì thói quen tốt đẹp này, bởi vì “sách là cả một thế giới” và bởi đọc sách là cả một vấn đề chung của nhân loại.


Chú thích:
*: một giải thưởng văn học thiếu nhi rất nổi tiếng ở Mỹ do Hiệp hội Thư viện sách Thiếu nhi (Association for Library Service to Children) – trực thuộc Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (American Library Association) – đứng ra tổ chức trao giải hàng năm cho các tác giả có những đóng góp nổi bật nhất vào lãnh vực văn học thiếu nhi Hoa Kỳ.
**: một giải thưởng văn học Anh, công nhận một cuốn sách mới xuất sắc cho trẻ em hoặc người lớn trẻ tuổi. Đây là giải thưởng sách của Anh lâu đời nhất và có uy tín nhất bằng văn bản của trẻ em. 
***: tham khảo thêm bài viết của blogger 5Xu tại đây
Nguồn ảnh Featured từ Graegin

2 Replies to “Chúng ta nói gì khi chúng ta nói về chuyện đọc”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.