Vài dòng về chuyện ăn thịt

Cách đây hơn hai tuần tôi tình cờ đăng ký tham dự một buổi nói chuyện nho nhỏ tại trung tâm American Center thuộc Đại sứ quán Mỹ về chủ đề thực phẩm, các khu chăn nuôi công nghiệp hóa và tác hại của những khu vực này đối với đời sống con người trong xã hội hiện đại. Tại buổi nói chuyện, ông Lucius từ tổ chức Humane Society International (HSI) đã có một bài trình bày hết sức thú vị và bổ ích về quá trình công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia súc, đặc tính tự nhiên của bò, lợn và gà cũng như sự thay đổi về tinh thần của các loại gia súc này khi bị đưa vào các khu vực trang trại với mục đích sản xuất thực phẩm hàng loạt.

Trước khi đến với buổi nói chuyện, trong đầu tôi đã từng có khái niệm về việc ăn thịt; về lâu dài vốn không tốt cho sức khỏe của con người; đây thật chất là một niềm tin của bản thân chứ tôi chưa từng nghiên cứu các tài liệu khoa học thực tế nào. Tôi tin rằng các loài động vật đều có những cảm xúc riêng biệt dù ở những cấp độ khác với loài người – loài động vật đứng ở vị trí cao nhất của chuỗi tiêu thụ thức ăn. Chính bởi niềm tin này mà tôi cũng dễ dàng bị thuyết phục bởi giả thuyết khi các loại gia súc bị giết thịt, chúng sẽ có cảm giác sợ hãi, chính sự sợ hãi này có thể tiết ra các loại hóc môn như con người chúng ta khi lâm vào tình trạng sợ hãi hoặc tức giận. Điểm khác biệt là hóc môn mà cơ thể con người tiết ra sẽ tan biến khi những hoàn cảnh sợ hãi, lo lắng này qua đi, còn những động vật bị giết thịt thì không. Các loại hóc môn từ các con vật bị giết thịt sẽ thấm vào thịt của chúng và tồn tại ở đó cho đến khi con người chế biến và tiêu thụ những loại thịt này, đồng thời tiêu hóa luôn những loại hóc môn trên. Về lâu về dài, những chất độc này sẽ ngấm vào cơ thể chúng ta và đây cũng là cơ sở mang đến bệnh ung thư cũng như loại bệnh khác. Gần đây, tôi có đọc thêm một vài bài viết của Osho về quan điểm ăn chay, và tôi hiểu niềm tin của mình là có cơ sở, dưới đây là đoạn trích từ bài viết trên của Osho:

Just watch what happens when you eat meat: when you kill an animal what happens to the animal when he is killed? Of course, nobody wants to be killed. Life wants to prolong itself; the animal is not dying willingly. If somebody kills you, you will not die willingly. If a lion jumps on you and kills you, what will happen to your mind? The same happens when you kill a lion. Agony, fear, death, anguish, anxiety, anger, violence, sadness – all these things happen to the animal. All over his body violence, anguish, agony spreads. The whole body becomes full of toxins, poisons. All the body glands release poisons because the animal is dying very unwillingly. And then you eat the meat; that meat carries all the poisons that the animal has released. The whole energy is poisonous. Then those poisons are carried in your body.

Bên cạnh đó, tại buổi nói chuyện của ông Lucius, tôi biết được lợn cũng có cảm giác về tổ ấm – khi chúng tạo ổ, điều này không chỉ là tạo ra một khu vực để sinh sản mà còn là nơi để những con lợn có thể ở cùng các thành viên khác (con cái, anh chị em). Đáng ngạc nhiên là lợn có ý thức vệ sinh rất cao và bằng chứng là nơi chúng đi vệ sinh sẽ rất xa ổ. Lợn cũng muốn giải trí bằng cách lăn trong bùn và hành động này đã được nghiên cứu là mang đến “niềm vui” cho chúng. Ngoài ra, tôi cũng được biết thêm là gà có ý thức rất lớn về sự riêng tư khi sinh sản, chúng không muốn bất kỳ con gà nào khác hoặc sinh vật nào khác nhìn thấy chúng đang đẻ trứng. Và cũng như lợn, hành động bới đất, phủi sạch lông ở gà cũng giúp mang lại niềm vui. Đây quả là những thông tin khiến tôi cảm giác rất rõ rệt là những miếng thịt tôi nuốt vào người từng ngày trước đây cũng có cảm giác và cảm xúc. Điều này tác động đên tôi rất lớn và đột nhiên tôi thấy mình có cảm giác rùng mình.

lợn thông minh

Hơn thế nữa, tôi cũng được biết thêm thông tin về tác hại của quá trình công nghiệp hóa việc sản xuất thực phẩm gia súc bằng cách tối ưu hóa diện tích chăn nuôi cho một chú lợn hoặc gà. Hành động này nhằm tiết kiệm tối đa diện tích chăn nuôi, ví dụ như một chú lợn đến tuổi sinh sản trong một trại chăn nuôi công nghiệp hóa sẽ không được cựa mình một cách tự do, không được lăn trong bùn như nó được làm trước kia bởi diện tích của chuồng lợn chỉ đủ cho con lợn nằm bất động, không cựa quậy. Chính những điều này khiến những con lợn “phát điên”, chúng trở nên lờ đờ hơn, gặm cả những thanh sắt của chuồng cho đến chảy cả máu. Tình cảnh đối với các chú gà cũng không khá hơn. Hàng chục con gà bị nhét vào một cái lồng mà diện tích dành cho mỗi con thậm chí chưa bằng một tờ giấy A4. Những con gà không có đủ không gian để sinh hoạt, không được cử động và cứ vậy chúng trở nên “điên dại”, thậm chí để ngăn chặn những con gà ăn thịt lẫn nhau vì trạng thái phát điên này, người ta phải cắt mỏ của chúng. Kinh khủng đúng không? Bên cạnh đó, đối với những trại gà nuôi để lấy thịt, khi những con gà con sinh ra không phải là giống cái, chúng sẽ bị đem xay nghiền ngay lập tức và sau đó đem bón cho các loại nông phẩm làm thức ăn gia súc.

nước sử dụng sản xuất thịt bò

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất của buổi nói chuyện này còn nằm ở tác động kinh khủng của môi trường từ những trang trại gia súc công nghiệp hóa này. Đến tận lúc này tôi mới biết phải tốn gần 4,800 lít nước để sản xuất ra một ký thịt heogần 15,000 lít nước để sản xuất ra một ký thịt bò. Số lượng nước này phục vụ cho việc trồng các loại nông sản để làm thức ăn cho gia súc cũng như phục vụ cho việc vệ sinh và nuôi dưỡng gia súc cho đến lúc chúng đủ tuổi để vào lò mổ. Ngoài ra, nước không phải là nguồn tài nguyên duy nhất bị hao tốn cho công cuộc sản xuất thực phẩm gia súc theo phương pháp công nghiệp, đất đai và tài nguyên đất để nuôi trồng bắp đậu nành nhằm chế biến thành thức ăn gia súc cũng cần phải kể đến. Thực phẩm từ đậu nành và ngô đã không được cung cấp đủ cho con ngươi ở các nước đói ăn trong khi đó rừng Amazon bị đốn hạ từ từ để dành đất cho việc trồng các loại nông phẩm này nhằm phục vụ cho các trang trại gia súc. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế mang lại từ ngành công nghiệp lại không mang đến lợi ích công bằng cho tất cả mọi người. Những khu vực có nông trại công nghiệp hóa, người dân trong vùng không có việc làm vì tất cả được tự động hóa trong khi môi trường ở khu vực này bị ô nhiễm vì chất thải từ khu vực trang trại chăn nuôi, hãy tưởng tượng bạn sống bên cạnh một hố phân rộng hàng ngành hecta được tiết ra bởi hàng triệu chú lợn một ngày? Đấy quả thật không phải là môi trường “lý tưởng” để sinh sống. Theo nghiên cứu, cư dân của sống gần khu vực trên thường có triệu chứng đau đầu, viêm mũi và có dấu hiệu thần kinh. Tiền chảy vào túi của những tập đoàn sản xuất thức ăn nhanh và dường như không có nhiều khoản trả lại cho cộng đồng nhằm phục vụ cho việc phát triển bền vững.

Kết thúc bài nói chuyện, ông Lucius vận động mọi người hãy đóng góp sức mình, dù chỉ nhỏ thôi nhưng cũng có thể tạo ra được sức ảnh hưởng to lớn. Bắt đầu bằng việc giảm khẩu phần thịt bò, thịt heo và thịt gà công nghiệp trong bữa ăn, hạn chế ăn tại các cửa hàng bán thức ăn nhanh và ăn nhiều rau củ quả hơn. Nếu được, hãy dành một đến hai ngày để ăn chay nhằm giảm bớt sức tiêu thụ thịt.

Đây có thể không phải là điều dễ dàng gì với nhiều người bởi thói quen sinh hoạt khá khó để mà thay đổi. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách ăn uống của mình một khi biết được những gì chúng ta tiêu thụ vào người lại có sức ảnh hưởng to lớn đến môi trường cũng như cuộc sống của chính chúng ta. Hãy nghĩ đến những người như ông Lucius – những người không ngừng tìm kiếm thông tin, tìm cách thương lượng và đấu tranh với những tập đoàn thực phẩm lớn trên thế giới nhằm kêu gọi họ thay đổi phương thức sản xuất chăn nuôi gia xúc bằng cách mở rộng diện tích chăn nuôi cho từng con vật và mang đến cho chúng sự chăm sóc tốt đẹp và nhân ái hơn. Họ, những người vận động không mệt mỏi cộng đồng của mình thay đổi thói quen ăn uống bằng cách ăn nhiều thực phẩm rau củ hơn để mang lại sự cân bằng sinh thái và bảo vệ sự phát triển bền vững. Hãy nghĩ đến họ khi chúng ta ăn và nghĩ đến những hành động tuy nhỏ lại có thể tạo nên sự thay đổi lớn mà chính chúng ta cũng không thể ngờ.

Vậy là từ nay tôi sẽ có thêm một mục tiêu mới cho mình, một tuần ăn chay hai ngày. Có ai tham gia cùng không?

1 Reply to “Vài dòng về chuyện ăn thịt”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.