Làm việc vì niềm vui

Trong một buổi trưa thứ bảy tại một trong những quán cà phê thuộc chuỗi cửa hàng Trung Nguyên, vừa nghe nhạc hòa tấu, tôi vừa nghĩ về khoảng thời gian mình đã đi làm, chỉ còn hơn chục ngày nữa là tôi chính thức đi làm được 4 năm, một khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để tôi học được một vài điều quan trọng trong cuộc sống của mình.

Nói thẳng ra thì tôi không có gì giỏi giang cả, cái này là nói thật chứ chả phải phải khiêm tốn bởi tôi vốn là một người có đủ tự tin vào bản thân mình. Tôi không giỏi, đó là điều tôi cần phải thừa nhận. Tôi chỉ có một may mắn là dễ thích ứng với môi trường mới, nhanh nhẹn và chịu khó học cái này một chút, cái kia một chút. Nói chung là cái gì cũng biết một ít và không ngại việc nên có lẽ trong mắt mọi người, tôi cũng là đứa có chút ít năng lực. Nhưng nếu gọi tôi là một người giỏi việc thì tôi không dám nhận. Trong 4 năm đi làm, tôi đã trải qua 4 công việc, nói là khác nhau thì cũng đúng nhưng nói là có sự liên kết về mặt kỹ năng ở điểm này hay điểm khác thì cũng không sai, và nói thật, tôi chẳng lấy làm tự hào gì lắm về chuyện này. Nếu không phải vì đam mê đối với công việc trong ngành truyền thông quảng cáo và ước mơ được làm việc tại thành phố năng động nhất Việt Nam này cũng như một vài chuyện gia đình cần giải quyết, tôi chỉ muốn gắn bó với một công việc thật sự lâu dài để mà hiểu và thật sự sống cùng với tổ chức và công ty của mình (tất nhiên phải là chỗ phù hợp). Khi nói “gắn bó” và “sống cùng công việc”, tôi không có ý định gắn bỏ cả cuộc sống của mình quanh công việc, nhưng ít nhất khi ở chế độ “làm việc” thì tôi phải thật sự hiểu rõ đến từng chi tiết nơi tôi đang làm việc, phải thật sự yêu quý nó như một phần của cuộc sống, là điều có thể tạo đam mê và niềm vui cho tôi mỗi ngày.

work-hard-dream-big

Nhấp từng ngụm cà phê, tôi cứ để tâm trí mình quay trở lại những tháng ngày đầu tiên khi được nhận vào làm chính thức tại một công ty bài bản, trẻ nhưng có vốn đầu tư lớn và có triển vọng (bây giờ vẫn vậy). Sau những năm lăn lộn với những công việc làm thêm của thời sinh viên; chạy hết chỗ này đến chỗ khác, từ quản lý cửa hàng bán mỹ phẩm, làm trợ giảng, làm intern, đi dạy kèm, quản lý và giao sỉ cà phê xay; những ngày đầu tháng tư năm nào là những ngày tháng đầu tiên tôi bắt đầu đời làm công ăn lương của nhân viên văn phòng. Công việc bắt đầu quy củ hơn, chịu trách nhiệm nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người hơn và được học hỏi nhiều hơn. Tôi không có gì nhiều để làm vốn khi khởi đầu hành trang công việc trái ngành hoàn toàn với những gì tôi đã học ngoài đam mê và sự khao khát được học hỏi bởi trong tâm trí tôi lúc đó luôn nhận thức một cách rõ ràng, tôi không là ai cả và để là một ai đó tôi cần phải học, phải lao vào công việc và những gì đang chờ tôi ở phía trước. Giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy vui vì khả năng thích ứng nhanh với công việc, hài lòng với bản tính không thích ngồi im một chỗ để người khác giao việc của mình. Chính những điều này đã giúp tôi không ngần ngại hỏi những ai có thể thể hỏi về những điều mà tôi chưa rõ, chưa biết trong công việc của mình. Tôi không ngại sếp trực tiếp đánh giá thế nào về kiến thức của mình bới tôi biết mình chưa có đủ kiến thức cần thiết, chính vì vậy có gì không hiểu, tôi sẵn sàng gặp trực tiếp sếp để hỏi, để đi cho đến tận cùng câu trả lời. Bởi tôi quan niệm, đây là công việc, là sự nghiệp và là trách nhiệm của mình, nếu tôi không hỏi sẽ không có ai cho tôi câu trả lời. Đến bây giờ tôi vẫn phải cảm ơn sếp đã đủ kiên nhẫn cho tôi trong khoảng thời gian đầu tiên ấy.

Tôi cũng nhớ về những đồng nghiệp cũ của mình, những người vừa là bạn vừa là tấm gương để tôi học hỏi và không ngừng phấn đấu để được như họ. Tôi vẫn nhớ như in tôi và Vân (đồng nghiệp tuyệt vời nhất mà tôi từng có) đã từng lăn xả như thế nào cho khối lượng công việc tương đối lớn mà cả hai đứa đều vẫn còn khá bỡ ngỡ. Chúng tôi đều không ngại phải làm những việc lặt vặt, không tên và nói thẳng là ra là không ai biết đến. Chúng tôi không ngại khi phải tự tay đi phát những tờ rơi thông tin đến khách hàng (cho dù lúc ấy cả hai đứa đều giữ vị trí quản lý dịch vụ và chúng tôi không cần thiết phải làm việc này), chúng tôi không ngại phải ở lại công ty đến 10h, 11h tối để hoàn thành công việc được giao, chúng tôi không ngại xắn tay áo, xắn gấu quần để mà bưng bê, mà chuẩn bị cho một bữa tiệc dành cho 1,000 người tham dự. Đến tận bây giờ tôi vẫn không quên cảm giác buồn đến vô tận khi bữa tiệc 1,000 người mà chúng tôi ra sức chuẩn bị, đến thời điểm gần kết thúc thì xảy ra một sự cố điện khiến mọi người phải ra về sớm, khách hàng thì kêu ca và nó không mang lại thành công đáng lý cần được công nhận. Tôi và Vân, là hai người cuối cùng rời khỏi bữa tiệc sau khi thu dọn mọi thứ, chúng tôi lặng lẽ xếp ghế ngồi cùng nhau dưới một bóng đèn điện duy nhất còn bật sáng. Chúng tôi nhìn quanh “bãi chiến trường”, nếu không cố gắng kìm nén, có lẽ cả hai đứa đã bật khóc ngon lành. Những công việc này, thật ra sếp chúng tôi không bao giờ để ý đến, đối với các sếp, chỉ cần công việc được hoàn thành là quá tốt. Tuy vậy, cả tôi và Vân đều rất trân trọng những việc nhỏ nhặt này, đó là tiền đề để xây dựng khả năng của chúng tôi sau này. Không rõ Vân thì thế nào, tôi đã học được rất nhiều từ những “việc không tên” như thế này. Sau này khi chuyển sang làm việc cho những công ty nước ngoài, với cách quản lý và đánh giá công việc chuyên nghiệp hơn, được giao vị trí quản lý nhân sự trên hai chục người, tôi vẫn không quên được những bài học quý giá của mình. Tôi học được từ đồng nghiệp cũ là mình cần phải chủ động hỗ trợ mọi người xung quanh. Chủ động giúp đỡ những bộ phận khác có liên quan đến dự án của mình, đặt mục tiêu cuối cùng là kết quả của công việc. Đấy mới là mục tiêu quan trọng nhất, và điều này khó có thể mà diễn ra một cách suôn sẻ nếu như không hỗ trợ và nhận được sự giúp đỡ của những người liên quan.

Khi nghĩ về công việc, tôi cũng thầm cảm ơn những đồng nghiệp của mình (cả mới lẫn cũ) bởi vì đã “chịu đựng” tôi rất nhiều. Bởi tính tôi khá nóng, khá cầu toàn với nhịp độ làm việc nhanh và hơi thiếu kiên nhẫn với những việc đơn giản và tôi thường đặt mục tiêu công việc lên trên cảm xúc cá nhân; chính điều này đôi lần đã gây tổn thương đến cảm xúc của đồng nghiệp và cả của chính tôi. Tôi chỉ thật sự lấy làm tiếc khi những hiểu lầm hay tranh cãi dẫn đến những tổn thương sâu sắc hơn và không ai chia sẽ thẳng thắn với tôi điều này để đi đến một hướng giải quyết tốt hơn mà lại lặng lẽ ra đi, đấy chính là điểm làm tôi thật sự buồn trong những năm làm việc của mình.

Bốn năm, một khoảng thời gian không dài, nhưng đó là thời gian tôi yêu quý nhất bởi đó là những gì thuộc về trải nghiệm “đầu tiên”. Là chặng được giúp tôi trưởng thành hơn, nhào nặn lên tôi của ngày hôm nay. Vẫn còn đó con đường ở phía trước, vẫn còn đó quá nhiều thứ để học và vẫn còn đó một hành trình để hoàn thành, và tôi hy vọng, tôi vẫn có thể tiếp tục hành trình ấy với niềm vui và phấn khích như thế này.

2 Replies to “Làm việc vì niềm vui”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.