Mình nói chuyện gì khi không nói chuyện tình

1.

Trong lúc ngồi ăn cùng nhau, em gái hỏi: “Làm sao để biết mình muốn làm gì hả anh Rin?” (cho ai không biết thì Rin là tên ở nhà của tôi). Thật ra đến tuổi này, tôi cũng chưa thật sự biết mình muốn làm gì. Với những câu hỏi như thế này, nếu là người khác, tôi sẽ trả lời làm gì cũng được miễn vui. Với em gái mình, tôi nghiêm túc nghĩ về câu hỏi và làm thế nào để trả lời một cách thành thật nhất. Tôi im lặng. Ở đâu đấy trong tôi vẫn biết sẽ không có một câu trả lời nào đúng cho câu hỏi này bởi mỗi một người có một cách đánh giá thế nào là một công việc mà họ muốn làm. Tôi từng nghĩ mình đam mê sự thành công và làm giàu, kiếm thật nhiều tiền để có thể mang lại cuộc sống đầy đủ cho gia đình. Nhưng giờ, khi ở ngưỡng gần 30, tôi biết tiền không phải là mục tiêu cao nhất, làm giàu chưa bao giờ là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống. Tôi theo đuổi một cuộc sống thoải mái. Thoải mái không có nghĩa là giàu có về mặt vật chất. Mà nó là sự tự do cho tâm hồn, cho những quyết định độc lập về tài chính và cuối cùng là cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải phụ thuộc vào ai, cũng như có thể lo cho gia đình khi họ cần đến. Nhưng làm gì để đạt được điều đấy? Làm nhiều thứ, làm hết sức có thể và chăm chỉ nhất có thể. Đây cũng là những gì tôi theo đuổi. Tôi thử nhiều việc, choáng ngợp trước những điều mới mẻ, mong muốn học hỏi và rồi sau một thời gian tôi lại mong muốn tìm kiếm những điều mới khác. Có một khoản thời gian tôi nghĩ mình khó mà ở đâu đấy lâu dài, cho dù là công việc hay chỗ ở. Tôi không thích những gì diễn ra một cách đều đặn, nhàm chán. Nhưng đến thời điểm này, khi tự bản thân tạo ra được những thử thách cho mình và lấy đấy làm cột mốc phấn đấu, tội tự nhận ra, thử thách phải do chính mình tạo ra và làm chủ lấy nó. Có vậy, dẫu có công việc gì, dẫu làm ở vị trí nào, chúng ta sẽ biết mình muốn làm gì. Đấy cũng là câu trả lời cho em gái tôi, chọn một công việc mình có thể làm tốt hoặc nghĩ là mình làm tốt. Làm thật cực lực, học thật nhiều và tự tạo ra thử thách cho chính mình, đến lúc đấy tự mình sẽ biết muốn làm gì. Chúng ta chọn công việc và công việc thay đổi cách chúng ta suy nghĩ.

2.

Trong những cuộc trò chuyện không đầu không cuối, em gái tôi lại hỏi, có lúc nào tôi cảm thấy tổn thương vì những chuyển trong quá khứ và ảnh hưởng của điều đấy đến hiện tại. Tôi nghĩ ai trong chúng ta ít nhất cũng có một lần cảm giác mình đi qua một cơn dư chấn dữ dội từ những vết thương trong quá khứ và nó kéo dài đến tận thời điểm này, dẫu không mạnh mẽ nhưng thỉnh thoảng vẫn là những cơn dư chấn. Mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau, có thể là cảm giác tủi hổ khi bị người thân đem ra so sánh với chính anh em họ hàng của mình. Để rồi dành cả những năm tháng của tuổi trẻ gồng lên chứng tỏ với tất cả mọi người khả năng của mình, hay tìm kiếm sự công nhận nhưng lại không hề biết rằng bản thân họ là một sự độc đáo không thể so sánh. Có thể là cảm giác khó hiểu đến đờ đẫn khi nhìn người thân dành thời gian công sức, tình cảm và vật chất để chăm sóc cho họ hàng mà không một lần để mắt đến ta. Để rồi ta lớn lên, luôn tự hỏi mình có xứng đáng được yêu thương? Rất nhiều sự kiện như vậy, đối với người lớn, chúng ta tưởng chỉ là những hành động vô thưởng vô phạt, nhưng đối với trẻ con, đấy có thể là mở đầu cho những cơn dư chấn của cuộc đời sau này. Tôi cũng có những dư chấn của mình. Tôi cũng từng vất vả để tìm kiếm giá trị chính bản thân và thoát khỏi những “chấn động” từ những sự kiện này. Liệu có bao giờ chúng ta trảnh khỏi chúng, những cơn dư chấn này hoàn toàn? Tôi nghĩ là không, bởi những đứa trẻ sẽ trưởng thành và sẽ mắc sai lầm, một điều chắn chắn sẽ xảy ra. Và rồi những cơn dư chấn tiếp tục lan toả. Chỉ hy vọng đa phần chúng ta sẽ đủ mạnh mẽ để vượt qua và cũng đủ rộng lượng để tha thứ cho người tạo ra những cơn dư chấn đấy.

3.

Trên đường ra sân bay, tôi hỏi em gái mình sau khi ở Sài Gòn vài ngày, chứng kiến cảnh kẹt xe đến khó thở. Thấy được một vài lát cắt của thành phố này thì liệu có muốn vào đây làm việc trong tương lai. Em tôi khẽ gật đầu và nói sẽ quay lại. Tôi cười. Mảnh đất này kỳ lạ vậy đấy. Hấp dẫn với tuổi trẻ, giữ chân những người trung niên và rồi chia tay những người già không thuộc về vùng đất này bởi tâm tưởng của họ đã trở về với vùng đất quê hương không phải là Sài Gòn. Đây là chốn thị thành, đầy hoang dại, đầy hào nhoáng, đầy nước mắt nhưng đẹp đến khó tả. Tôi chỉ im lặng. Quyết định cho một tương lai phía trước thường không chỉ đơn giản ở cái gật đầu có hay không. Cứ cố gắng trong hiện tại và giữ cho mình một suy nghĩ. Điều gì đến sẽ đến.

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.