Review: Quốc Bảo, những cái tên những mặt người

Ngày hôm qua vui hơn, vì ngày hôm qua có tình thân để lại. Có ấm áp đọng lại, bạn tôi ạ – Quốc Bảo

Trước đây tôi chỉ biết đến Quốc Bảo qua vai trò là nhạc sỹ và là một trong số những nhạc sỹ mà tôi biết tiên phong trong phong trào ra album ca nhạc của chính mình, tất nhiên chỉ dành cho những sáng tác của riêng ông. Nhạc của Quốc Bảo thường không gây quá nhiều ấn tượng cho tôi qua lần đầu nghe, ngoại trừ bài Bình Yên do Hà Trần thể hiện và album Bình Yên của Quốc Bảo cũng là album mà tôi yêu thích nhất. Tôi cũng từng biết Quốc Bảo còn là một nhà báo và đã từng có một vài cuốn sách đã được xuất bản mà tiêu biểu và nổi tiếng nhất là cuốn Thị Dân. Và tôi chưa từng đọc cuốn sách hay bài báo nào Quốc Bảo viết, cho đến lúc tôi được đọc cuốn sách được xuất bản gần đây nhất của ông, Những cái tên, những mặt người.

Bìa sách

Những cái tên, những mặt người là tập bút ký chân dung, tập hợp trên hai mươi người có ảnh hưởng nhất định đến cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sỹ Quốc Bảo, sách được chia làm hai phần: Những cái tên gồm các bài viết đã hoặc chưa từng đăng báo của tác giả và Những mặt người tập hợp một số bức ảnh chân dung trắng đen do chính Quốc Bảo chụp một số nhân vật được đề cập đến trong cuốn bút ký này. Bìa sách được thiết kế khá đẹp bởi tác giả cũng là một người có gu và lao động thật sự nghiêm túc trong nghệ thuật. Cuốn sách cũng dày 128 trang, chỉ cần mất khoảng 2 tiếng là đã đọc xong.

Điều đầu tiên tôi phải nói răng, khi khép cuốn Những cái tên, những mặt người lại, cảm xúc đọng lại trong tôi là một tình yêu nồng nàn của tác giả dành cho Sài Gòn, mảnh đất của nắng, của nóng và của nhịp sống không ngừng chảy. Tác giả không chỉ khắc họa chân dung của những người bạn, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà qua đó, qua những con người đặc biệt ấy, một tình cảm nồng nàn dành cho Sài Gòn luôn ẩn hiện, đôi lúc rõ nét, đôi lúc là thoáng qua. Dường như với Quốc Bảo, bạn bè chính là Sài Gòn và Sài Gòn chính là bạn bè. Cũng vì vậy mà đây là tập hợp những bài viết mang đậm cảm xúc và sự chân thật trong tình cảm của người viết dành để khắc họa những người mà tác giả trân trọng. Có thể có một số bài đã được chỉnh sửa để đăng báo, nhưng khi đọc vào từng câu chữ, người đọc vẫn dễ dàng nhận thấy không có một từ ngữ nào là khoa trương, đó cũng chính là điểm làm cuốn sách này thật sự gây cảm giác gần gũi nơi độc giả.

Mỹ Tâm (Hình ảnh từ trang Flickr của tác giả)

Tôi rất thích cái cách mà Quốc Bảo miêu tả về cặp đôi Khắc Triệu – Cẩm Vân, về tình cảm và sự quan tâm của những con người hoạt động nghệ thuật ban đầu còn nhiều khó khăn và cả những tình cảm lạ lùng mà thân thiết họ dành cho nhau. Cũng là về tình yêu nhưng bài viết về cặp đôi nhạc sỹ ca sỹ Lê Uyên Phương, một tình yêu nồng nàn và đầy cảm xúc. Điều tôi thích nhất ở tác phẩm này là cách tác giả viết về tình bạn. Những nét phát thảo đơn giản nhưng lại cực kỳ giàu tình cảm dành cho những Mai Khôi, Mỹ Tâm, Đạo Sài Gòn hay Mai Xuân Vỹ. Những người bạn của Quốc Bảo hiện lên với đầy đủ những cảm xúc của một con người, cho dù họ có phải là người nổi tiếng hay không, qua những câu chữ của tác giả, độc giả cảm nhận được tính người, sự ngây thơ và nguyên bản của những con người độc nhất vô nhị. Trước khi đọc Quốc Bảo, tôi chưa hề biết đến Mai Xuân Vỹ là ai, nhưng sau này có lẽ tôi khó mà quên được người đàn ông tên là Vỹ ấy, với tư cách là một người bạn đầy say mê nghệ thuật của nhạc sỹ Quốc Bảo. Đó chính là nhờ những tình cảm rất thật của chính Quốc Bảo đã đổ vào từng con chữ trong cuốn sách này. Cái cách giữ gìn những mối quan hệ bạn bè của người nhạc sỹ này cũng khiến tôi nể phục, có những mối quan hệ kéo dài hơn 20 năm nhưng khi nhắc về bạn của mình, Quốc Bảo vẫn giữ một thái độ trân trọng, nồng ấm, một điều mà không phải ai cũng làm được.

Nguyên Hà (Hình ảnh từ trang Flickr của Quốc Bảo)

Ngoài ra, tác giả cũng không quên tỏ lòng tri ân của mình với những người đã góp phần định hình lên mộtQuốc Bảo ngày hôm nay bằng tất cả lòng kính trọng và đặc biệt khiêm nhường. Đó là về Đoàn Thạch Biềnvới những tình cảm của hồi ức tuổi mới lớn đi cùng những tác phẩm văn học; là khởi nguồn của những rung động với văn chương và câu chữ. Là về Phan Mộng Thúy – chủ nhiệm hãng phim Phương Nam năm 1997, người đặt viên gạch đầu tiên cho bệ phóng sự nghiệp của Quốc Bảo bằng dự án đầu tay Mùa tình yêu. Là đối với nhà báo Lâm Quốc Trung, người đã dẫn dắt con đường sự nghiệp báo chí của tác giả với sự hăng say lao động một cách cần cù, tỉ mỉ và đầy đam mê. Là về người anh, người thầy Bảo Chấn với sự ngưỡng mộ lớn lao và những trăn trở cũng rất thật. Quốc Bảo, có lẽ đã không quên một ai và có lẽ cũng không quên những tình cảm lớn lao mà những con người trên đã mang đến cho tác giả, đó không chỉ là nghĩa cử của những người bạn mà còn hơn như thế.

Mai Khôi (Hình ảnh từ trang Flickr của Quốc Bảo)

Tất nhiên cũng có một vài đoạn Quốc Bảo viết về Thủy Tiên, về nàng thơ trước đây của mình. Đọc vềThủy Tiên, tôi nhận thấy tác giả hẳn đã phải có một khoảng thời gian đắm say cùng nàng thơ này mà tôi cho rằng hẳn cũng vì thế mà khi Quốc Bảo nhận xét về Thủy Tiên của bây giờ “không còn tự nhiên”, nó có một cái gì đó chua chát, tưng tức ở trong đấy, ở trong cách nói về một người xưa. Kết bài, cũng chẳng quên bồi thêm một câu “xấu cũng được, không hoàn hảo cũng được, miễn tự nhiên…”, quả thật có lẽ Quốc Bảođã từng yêu nhiều và cảm xúc cũng nhiều, nên bây giờ hồi tưởng lại, có chút gì đó cay đắng chăng? Khép lại phần Những cái tên là bài viết về nhân vật Nguyễn thị Mộng Tuyền, người yêu hiện tại của Quốc Bảo. Tôi cảm thấy bài viết này hơi nhiều tình cảm và có chút gì đó sên sến. Nhưng có lẽ đó cũng là một phần của tình yêu, sự mãnh liệt của tình yêu luôn khiến chúng ta chẳng bao giờ che dấu được những gì chúng ta suy nghĩ.

Mộng Tuyền (Hình ảnh từ trang Flickr của Quốc Bảo)

Tập hợp những hình ảnh trong Những mặt người đã khép lại cuốn sách một cách đầy đủ và nhẹ nhàng. Những hình ảnh trắng đen luôn mang lại những cảm xúc khác biệt cho tôi. Trong số những bức ảnh trong tập hợp ảnh này, có lẽ tôi thích nhất ảnh Quốc Bảo chụp cho Thủy Tiên, Nguyên Hà và Mộng Tuyền.

Một cuốn sách đáng đọc, đọc không phải để suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ, mà nó giống như một chặng đường để ta có thể thấy được những tình cảm của một người Sài Gòn chính hiệu, một tình yêu Sài Gònchính hiệu, như chính lời tác giả nói “Tôi không rời Saigon đi đâu quá lâu, vậy nên những người tôi đề cập đến trong cuốn sách đều nảy nở mối quan hệ thân tình với tôi ở chính thành phố này. Saigon là chiếc nôi ru tình bằng hữu, tình yêu; trong khi đó tình yêu và tình bằng hữu lại đem về cho tôi những cảnh trí lạ, những thổ ngơi mới, những thời tiết và khí tượng tôi chưa từng nếm trải. Sống cuộc đời song song nhau, tôi và những người ấy, để sẻ chia điều kỳ lạ cho nhau.”

*Mọi hình ảnh và trích dẫn trong sách trên entry này đều thuộc về bản quyền của tác giả. 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.